Nguyễn Ngọc Ánh

Bên vay không trả được nợ khi đến hạn phải làm thế nào?

Xin các luật sư giải đáp thắc mắc và chỉ hướng cho tôi giải quyết vấn để bên vay không trả được tiền khi đến hạn trả nợ như sau! Tôi có gia đình và hai con nhỏ. Tôi buôn bán hản sản nhưng nay đã thất bại. Tôi có vay tín chấp bên ngân hàng sô tiền 144 triệu đồng. Mỗi tháng trả gần 5 triệu. Tôi mới trả tháng đầu tiên. Giờ tôi biết mình không còn khả năng trả nợ.

Vì tôi ko muốn lấy tiền của vợ trả cho sô tiên này. Vì vợ tôi dành giụm khoang 100triu để nuôi hai con nên tôi quyết ko đụng vào. Vả lại vợ tôi sẽ ko cho và nếu tôi lấy thì vợ tôi sẽ li dị. Tôi cũng ko có việc làm vào thời điểm này. Hiện tâm lí rất mệt mỏi... Tôi xin hỏi bây giờ tôi có thể thương lượng với ngân hàng số tiền trên theo hình thức trả chậm và giảm lãi có được ko? Hay chấp nhận chịu ở tù theo tội " lừa đảo chiếm đoạt tài sản" thi tôi sẽ ở mức án bao nhiu năm? Và khi ra tù tôi có phải trả sô tiền đó cho ngân hàng ko? ( khi vay 144trieu có nộp bảo hiểm khoảng vay 6.5trieu) Hoặc tôi chết đi gia đình tôi có phải trả lại sô tiền kia ko? Tôi ko muốn liên luỵ đến ai cả! Xin cảm ơn các luật sư. Hiện tôi đang rối bời nên muốn anh chị chỉ giùm tôi hướng giải quyêt. Xin cảm ơn.

1. Tư vấn về việc bên vay tiền không trả được nợ khi đến hạn trả nợ

Trả lời:

Cảm ơn anh đã tin tưởng và gửi yêu cầu tới Công ty Luật Minh Gia! Yêu cầu của anh được tư vấn như sau:

- Có thể thương lượng với ngân hàng số tiền trên theo hình thức trả chậm và giảm lãi có được không?

Điều 471 Bộ luật dân sự quy định về hợp đồng vay tài sản:

"Hợp đồng vay tài sản là sự thoả thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thoả thuận hoặc pháp luật có quy định".

Theo quy định, khi đến hạn trả thì bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Xuất phát từ nguyên tắc bình đẳng, tự thỏa thuận trong giao lưu dân sự nên trường hợp anh có yêu cầu được trả tiền vay theo hình thức trả chậm và giảm lãi buộc phải được sự đồng ý của Ngân hàng trong khuôn khổ luật định.

Trường hợp các bên không có thỏa thuận khác mà đến hạn anh không thực hiện được nghĩa vụ trả nợ thì Ngân hàng có quyền khởi kiện tại TAND có thẩm quyền theo thủ tục tố tụng dân sự hoặc tố giác tội phạm tới cơ quan có thẩm quyền theo thủ tục tố tụng hình sự (nếu hành vi của anh có dấu hiệu của tội phạm).

Theo đó, không phải mọi trường hợp bên vay không thanh toán được nợ (tiền gốc và lãi) thì sẽ bị truy cứu TNHS. Để bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của mình trong trường hợp hành vi của bên vay nợ không đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm thì Ngân hàng có quyền khởi kiện dân sự để kiện đòi tài sản. Theo bản án có TAND có thẩm quyền thì bên vay có nghĩa vụ tự nguyện thi hành hoặc bị cưỡng chế thi hành theo quy định tại Luật thi hành án dân sự.

Vậy, chỉ trường hợp có đủ chứng cứ buộc tội anh tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản hoặc một trong các tội phạm xâm phạm quyền sở hữu hợp pháp của công dân thì anh mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

Điều 139. Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản

"1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.

Điều 140. Tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản

"1. Người nào có một trong những hành vi sau đây chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ bốn triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới bốn triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xoá án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm:

a) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối hoặc bỏ trốn để chiếm đoạt tài sản đó;

b) Vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng và đã sử dụng tài sản đó vào mục đích bất hợp pháp dẫn đến không có khả năng trả lại tài sản".

- Có phải trả sô tiền đó cho ngân hàng không?

Căn cứ Điều 42 Bộ luật hình sự, trường hợp bị truy cứu TNHS thì ngoài việc phải thi hành hình phạt theo phán quyết của TAND có thẩm quyền, anh còn phải thực hiện nghĩa vụ hoàn trả lại toàn bộ tài sản đã chiếm đoạt cho Ngân hàng.

Điều 42 Bộ luật hình sự quy định nghĩa vụ trả lại tài sản, sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại; buộc công khai xin lỗi:

"1. Người phạm tội phải trả lại tài sản đã chiếm đoạt cho chủ sở hữu hoặc người quản lý hợp pháp, phải sửa chữa hoặc bồi thường thiệt hại vật chất đã được xác định do hành vi phạm tội gây ra.

2. Trong trường hợp phạm tội gây thiệt hại về tinh thần, Tòa án buộc người phạm tội phải bồi thường về vật chất, công khai xin lỗi người bị hại".

- Nếu bên vay chết đi tôi có phải trả lại sô tiền kia không?

Điều 637. Thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại

"1. Những người hưởng thừa kế có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ tài sản trong phạm vi di sản do người chết để lại, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

2. Trong trường hợp di sản chưa được chia thì nghĩa vụ tài sản do người chết để lại được người quản lý di sản thực hiện theo thoả thuận của những người thừa kế.

3. Trong trường hợp di sản đã được chia thì mỗi người thừa kế thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại tương ứng nhưng không vượt quá phần tài sản mà mình đã nhận, trừ trường hợp có thoả thuận khác.

4. Trong trường hợp Nhà nước, cơ quan, tổ chức hưởng di sản theo di chúc thì cũng phải thực hiện nghĩa vụ tài sản do người chết để lại như người thừa kế là cá nhân.''

Theo quy định, trường hợp anh chết thì vợ và các con chỉ phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ trong phạm vi di sản thừa kế mà anh để lại. Tức, nếu toàn bộ di sản thừa kế của anh để lại không đủ để thực hiện nghĩa vụ trả 144 triệu VNĐ thì vợ con anh không phải trả nợ thay anh.

Lưu ý: Nếu rơi vào hoàn cảnh khó khăn trước mắt thì anh nên thông qua vợ để cả hai cùng nhau chia sẻ rủi ro nhằm nhanh chóng vượt qua.

---

2. Đến hạn thanh toán nợ nhưng bên vay không trả có bị kiện không?

Câu hỏi:

Kinh Chào luật sư. Vào năm 2010 tôi có mở cơ sở mấy mặc gia công, trong lúc thiếu vốn tôi có vay 300 triệu lãi suất 5% tháng nhưng đến bây giờ tôi trả được 100 triệu gốc, còn lại 200 triệu, nhưng tôi không đủ khả năng trả vốn và lãi. Vậy tôi có bị chủ nợ kiện hay không? (cơ sỡ mấy đã đóng cữa từ năm 2012 do không có lãi và không có nguồn hàng). Xin luật sư vui lòng tư vấn dùm, tôi phải làm thế nào, để không vì phạm luật?Xin chân thành cảm ơn!

Trả lời tư vấn:

Chào anh/chị! Cảm ơn anh/chị đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, Đối với yêu cầu hỗ trợ của anh/chị chúng tôi tư vấn như sau:

Theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015 về nghĩa vụ trả nợ cúa bên vay. Cụ thể:

Điều 466. Nghĩa vụ trả nợ của bên vay

1. Bên vay tài sản là tiền thì phải trả đủ tiền khi đến hạn; nếu tài sản là vật thì phải trả vật cùng loại đúng số lượng, chất lượng, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

2. Trường hợp bên vay không thể trả vật thì có thể trả bằng tiền theo trị giá của vật đã vay tại địa điểm và thời điểm trả nợ, nếu được bên cho vay đồng ý.

3. Địa điểm trả nợ là nơi cư trú hoặc nơi đặt trụ sở của bên cho vay, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

4. Trường hợp vay không có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả nợ hoặc trả không đầy đủ thì bên cho vay có quyền yêu cầu trả tiền lãi với mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này trên số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác hoặc luật có quy định khác.

5. Trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

a) Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả; trường hợp chậm trả thì còn phải trả lãi theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 của Bộ luật này;

b) Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Như vậy,trong trường hợp bạn vay với tư cách cá nhân thì khi đến kỳ hạn thanh toán mà bạn không thực hiện thì phía ngân hàng có quyền khởi kiện ra Tòa án để yêu cầu bạn phải thực hiện nghĩa vụ trả nợ vay. Trường hợp vay tư cách đại diện cho hộ kinh doanh cá thể hay doanh nghiệp thì khi quá hạn ngân hàng sẽ không khởi kiện đối với cá nhân bạn mà khởi kiện đối với doanh nghiệp, hộ kinh doanh đó, nhưng nếu doanh nghiệp không còn khả năng thì bạn vẫn có trách nhiệm lấy tài sản cá nhân cùa mình để thanh toán khoản vay cho ngân hàng.

Do đó, để không bị khởi kiện thì bạn nên thỏa thuận với phía ngân hàng để gia hạn thời gian trả nợ.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo