Phạm Diệu

Bên mua nhà ở xã hội vi phạm nghĩa vụ hợp đồng, giải quyết thế nào?

Luật sư tư vấn về điều kiện vay vốn mua nhà ở xã hội và trách nhiệm pháp lý khi một bên vi phạm nghĩa vụ. Nội dung tư vấn như sau:

 

Dear quý công ty luật Minh Gia. Em có thắc mắc về vấn đề sau: Hiện em đang làm việc tại Bình Dương và có nhu cầu mua nhà ở xã hội với hình thức trả trước 35% giá trị và phần còn lại vay ngân hàng. Được nhân viên tư vấn cứ nộp đủ 35% sẽ kí hợp đồng và phần còn lại sẽ hỗ trợ làm thủ tục ngân hàng để ngân hàng trả cho chủ đầu tư. Em muốn hỏi nếu em trả được 35% em có khả năng trả góp ngân hàng nhưng không đủ điều kiện để vay ngân hàng (vì thiếu thủ tục hay thiếu chứng minh thu nhập).

Vậy số tiền 35% có lấy lại được không hay sao? Có điều lệ gì để bảo vệ người mua nhà ở xã hội theo hình thức trả góp ngân hàng không? Phía bên ngân hàng có trách nhiệm gì khi tham gia cùng chủ đầu tư xây nhà ở xã hội cho người dân không? Rất mong quý công ty tư vấn giúp em ạ. Cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 16 Nghị định 100/2015/NĐ-CP thì các đối tượng được vay vốn để mua nhà ở xã hội bao gồm:

 

- Người có công với cách mạng theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng;

 

- Người thu nhập thấp, hộ nghèo, cận nghèo tại khu vực đô thị;

 

- Người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp;

 

- Sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật, quân nhân chuyên nghiệp, công nhân trong cơ quan, đơn vị thuộc công an nhân dân và quân đội nhân dân;

 

- Cán bộ, công chức, viên chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức, viên chức;

 

Theo đó, tại khoản 2 Nghị định 100/2015/NĐ-CP quy định về điều kiện được vay vốn đối với hộ gia đình, cá nhân vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội như sau:

 

“2. Điều kiện được vay vốn đối với hộ gia đình, cá nhân vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội:

 

a) Có đủ vốn tối thiểu tham gia vào phương thức vay vốn theo quy định của Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định;

 

b) Có đủ hồ sơ chứng minh theo quy định tại Điều 22 của Nghị định này;

 

c) Có nguồn thu nhập và có khả năng trả nợ theo cam kết với Ngân hàng Chính sách xã hội hoặc tổ chức tín dụng do Nhà nước chỉ định;

 

d) Có Giấy đề nghị vay vốn để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội, trong đó có cam kết của cá nhân và các thành viên trong hộ gia đình chưa được vay vốn hỗ trợ ưu đãi tại ngân hàng khác để mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội;

 

đ) Có hợp đồng mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội với chủ đầu tư theo quy định của Nghị định này và của pháp luật về nhà ở;

 

e) Thực hiện bảo đảm tiền vay bằng tài sản hình thành từ vốn vay theo quy định của pháp luật. Ngân hàng cho vay, chủ đầu tư và người vay vốn phải quy định rõ phương thức quản lý, xử lý tài sản bảo đảm trong hợp đồng ba bên.”.

 

Như vậy, để được vay vốn mua nhà ở xã hội thì gia đình bạn phải đáp ứng các điều kiện nêu trên. Tuy nhiên, trường hợp nếu gia đình bạn không đủ điều kiện để được vay ngân hàng thì bạn có thể thỏa thuận trực tiếp với bên bán về các vấn đề liên quan đến thời hạn, số tiền, phương thức thanh toán.

 

Trường hợp nếu bạn đã trả được 35% giá trị hợp đồng mua nhà nhưng vì lý do nào đó dẫn đến việc chậm trả hoặc trường hợp không có khả năng thanh toán số tiền còn lại thì sẽ căn cứ theo quy định tại hợp đồng chuyển nhượng giữa hai bên để giải quyết. Trường hợp, trong hợp đồng không quy định, hai bên có thể tự thỏa thuận giải quyết.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.

CV tư vấn: Phạm Diệu - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo