Luật sư Đào Quang Vinh

Bảo vệ quyền lợi cho người lập di chúc

Mẹ tôi đã hơn 90 tuổi, bố mẹ có thửa đất khoảng 830 mét. Bố tôi đã mất mẹ lập di chúc với nguyện vọng dùng căn nhà đang ở làm nhà tự. Nhưng có nàng dâu muốn chiếm nhà nên đã làm những hành vi xấu ngăn chặn mẹ tôi. Mẹ tôi đã làm đơn tố giác các sự việc trên và công an Phường chưa giải quyết dứt điểm. Chị này không phải vợ hợp pháp của anh trai tôi. Làm thế nào để bảo vệ quyền lợi cho mẹ tôi?

 

Kính gửi Luật sư , mẹ tôi hơn 90 tuổi .Mẹ tôi và bố tôi chủ sở hữu thửa đất khoảng 830 mét, bố tôi đã mất mẹ lập di chúc xong, với nguyện vọng dùng căn nhà đang ở làm nhà tự. Nhưng có một nàng dâu ở nhờ nhà mẹ tôi luôn tìm cách ức hiếp mẹ tôi, với mục đích ngăn cản việc làm nhà thờ tự của mẹ để chiếm nhà.cụ thể : ả cho người khênh bàn thờ của bố tôi, và cho người nhà  bóp cổ ức hiếp áp đáo tại gia mẹ già. Khi ả có mặt ở nhà mà có người giống người nhà của ả vào cướpmáy tính của mẹ tôi. rồi mới đây ả chặt phá cau ăn quả của mẹ tôi. xé nội quy nhà thờ tự và phá hoại camêra aninh tại nhà thờ tự của mẹ tôi. Mẹ tôi đã làm đơn tố giác các sự việc trên và công an Phường chưa   giải quyết dứt điểm.  chị này không có giấy đăng ký kết hôn hợp pháp với anh trai tôi, nên cô ta không có gì chứng minh quyền thừa kế hợp pháp tài sản của bố tôi để lại.Nhưng do không am hiểu luật pháp nên sau khi anh trai tôi mất chị ta  tìm mọi cách cản trở và ức hiếp mẹ tôi để chiếm đất chiếm nhà.Luật sư có thể bảo vệ quyền lợi cho mẹ tôi được không?tôi  đang làm công nhân xây đựng ở xa nên muốn nhờ luật sư giúp đỡ.Xin cảm ơn.

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, trường hợp này chúng tôi tư vấn cho bạn như sau:

 

I. Trước hết nói về phần tài sản của mẹ bạn sau khi mẹ bạn mất:

 

Theo Điều 651 của Bộ luật dân sự 2015 quy định về người thừa kế theo pháp luật:

 

Điều 651. Người thừa kế theo pháp luật

 

1. Những người thừa kế theo pháp luật được quy định theo thứ tự sau đây:

 

a) Hàng thừa kế thứ nhất gồm: vợ, chồng, cha đẻ, mẹ đẻ, cha nuôi, mẹ nuôi, con đẻ, con nuôi của người chết;

 

b) Hàng thừa kế thứ hai gồm: ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại, anh ruột, chị ruột, em ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là ông nội, bà nội, ông ngoại, bà ngoại;

 

c) Hàng thừa kế thứ ba gồm: cụ nội, cụ ngoại của người chết; bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột của người chết; cháu ruột của người chết mà người chết là bác ruột, chú ruột, cậu ruột, cô ruột, dì ruột; chắt ruột của người chết mà người chết là cụ nội, cụ ngoại.

 

2. Những người thừa kế cùng hàng được hưởng phần di sản bằng nhau.

 

3. Những người ở hàng thừa kế sau chỉ được hưởng thừa kế, nếu không còn ai ở hàng thừa kế trước do đã chết, không có quyền hưởng di sản, bị truất quyền hưởng di sản hoặc từ chối nhận di sản.”

 

Theo đó nếu bố bạn không để lại di chúc để lại di sản thừa kế cho chị dâu bạn thì chị dâu bạn sẽ không được hưởng thừa kế của bố bạn vì chị dâu bạn không thuộc những người được hưởng thừa kế theo pháp luật. Hơn nữa việc chị này không phải vợ hợp pháp của anh bạn cũng không được hưởng di sản của anh bạn.

 

Trong trường hợp này, để đảm bảo việc sau khi mẹ bạn mất, di sản sẽ dùng vào việc thờ cúng (nhà tự) thì mẹ bạn cần lập di chúc. Nhưng di chúc phải được hợp pháp thì mới được công nhận. Nếu muốn di chúc hợp pháp thì cần tuân thủ theo các điều khoản của Bộ luật dân sự 2015 như sau:

 

Điều 633. Di chúc bằng văn bản không có người làm chứng

 

Người lập di chúc phải tự viết và ký vào bản di chúc.

 

Việc lập di chúc bằng văn bản không có người làm chứng phải tuân theo quy định tại Điều 631 của Bộ luật này.

 

Điều 634. Di chúc bằng văn bản có người làm chứng

 

Trường hợp người lập di chúc không tự mình viết bản di chúc thì có thể tự mình đánh máy hoặc nhờ người khác viết hoặc đánh máy bản di chúc, nhưng phải có ít nhất là hai người làm chứng. Người lập di chúc phải ký hoặc điểm chỉ vào bản di chúc trước mặt những người làm chứng; những người làm chứng xác nhận chữ ký, điểm chỉ của người lập di chúc và ký vào bản di chúc.

 

Việc lập di chúc bằng văn bản có người làm chứng phải tuân theo quy định tại Điều 631 và Điều 632 của Bộ luật này.

 

Điều 631. Nội dung của di chúc

 

1. Di chúc gồm các nội dung chủ yếu sau:

 

a) Ngày, tháng, năm lập di chúc;

 

b) Họ, tên và nơi cư trú của người lập di chúc;

 

c) Họ, tên người, cơ quan, tổ chức được hưởng di sản;

 

d) Di sản để lại và nơi có di sản.

 

2. Ngoài các nội dung quy định tại khoản 1 Điều này, di chúc có thể có các nội dung khác.

 

3. Di chúc không được viết tắt hoặc viết bằng ký hiệu, nếu di chúc gồm nhiều trang thì mỗi trang phải được ghi số thứ tự và có chữ ký hoặc điểm chỉ của người lập di chúc.

 

Trường hợp di chúc có sự tẩy xóa, sửa chữa thì người tự viết di chúc hoặc người làm chứng di chúc phải ký tên bên cạnh chỗ tẩy xóa, sửa chữa.

 

"Điều 632. Người làm chứng cho việc lập di chúc

 

Mọi người đều có thể làm chứng cho việc lập di chúc, trừ những người sau đây:

 

1. Người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của người lập di chúc.

 

2. Người có quyền, nghĩa vụ tài sản liên quan tới nội dung di chúc.

 

3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi."

 

Vì chị dâu bạn đã có hành vi ức hiếp, bóp cổ mẹ bạn cho nên hành vi này của chị dâu bạn có thể phạm vào tội hành hạ người khác theo quy định tại Điều 110 Bộ luật hình sự 1999 như sau:

 

Điều 110. Tội hành hạ người khác 

 

1. Người nào đối xử tàn ác với người lệ thuộc mình thì bị phạt cảnh cáo, cải tạo không giam giữ đến một năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.

 

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ một năm đến ba năm:

 

a) Đối với người già, trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người tàn tật;

 

b) Đối với nhiều người.”

 

Để chấm dứt đối với hành vi này bạn có thể tới các cơ quan như: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án hoặc với các cơ quan khác, tổ chức để tố giác hành vi phạm tội của chị dâu bạn trong trường hợp này.

 

II. Còn về phần di sản của bố bạn để lại:

 

1. Trường hợp 1: Anh trai bạn có con

 

a.Nếu anh trai bạn mất trước bố bạn:

 

Tại Điều 652 Bộ luật dân sự 2015 quy định như sau:

 

Điều 652. Thừa kế thế vị

 

Trường hợp con của người để lại di sản chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì cháu được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của cháu được hưởng nếu còn sống; nếu cháu cũng chết trước hoặc cùng một thời điểm với người để lại di sản thì chắt được hưởng phần di sản mà cha hoặc mẹ của chắt được hưởng nếu còn sống.”

 

Theo đó nếu anh trai bạn mất trước bố bạn thì con của anh trai bạn sẽ được hưởng phần thừa kế mà anh trai bạn sẽ được hưởng nếu còn sống.

 

Tuy nhiên nếu con của anh trai bạn mà chưa thành niên thì chị dâu bạn sẽ là người đại diện theo pháp luật của con. Cho nên chị dâu bạn sẽ có các quyền theo quy định tại Điều 21 Bộ luật dân sự 2015:

 

Điều 21. Người chưa thành niên

 

1. Người chưa thành niên là người chưa đủ mười tám tuổi.

 

2. Giao dịch dân sự của người chưa đủ sáu tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.

 

3. Người từ đủ sáu tuổi đến chưa đủ mười lăm tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ giao dịch dân sự phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi.

 

4. Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi tự mình xác lập, thực hiện giao dịch dân sự, trừ giao dịch dân sự liên quan đến bất động sản, động sản phải đăng ký và giao dịch dân sự khác theo quy định của luật phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý.”

 

b. Nếu anh trai bạn mất sau bố bạn

 

Vì chị dâu không phải vợ hợp pháp của anh trai bạn cho nên sau khi anh trai bạn mất sẽ không được hưởng phần di sản anh trai bạn để lại. Chỉ có mẹ bạn và cháu bạn (con của anh bạn) được hưởng di sản thừa kế từ anh trai bạn theo quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015.

 

2. Trường hợp 2: Nếu anh trai bạn không có con thì phần di sản mà anh trai bạn để lại sẽ chỉ có mẹ bạn được hưởng thừa kế theo quy định tại Điều 651 Bộ luật dân sự 2015.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng.
CV tư vấn: Lê Ngọc Linh - Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo