Mạc Thu Trang

Bao thanh toán của Ngân hàng đối với hợp đồng ký gửi

Thưa các luật sư, xin phép nhờ các luật sư tư vấn giúp trường hợp bao thanh toán của ngân hàng đối với hợp đồng ký gửi tài sản như sau. Công ty A ký hợp đồng với cá nhân/ pháp nhân B làm trung gian bán tài sản (Có thể là hình thức ký gửi,…) cho B. Theo hợp đồng, ngay sau khi B bàn giao tài sản (Bất động sản, ô tô cũ…)

 

Cho A để làm dịch vụ bán tài sản thì Bên A ứng trước cho Bên B 50% giá trị hợp đồng (Hoặc một số tiền nào đấy thấp hơn giá trị tài sản bán) và số tiền này được khấu trừ vào số tiền Bên mua (là Bên C mà bên A giới thiệu mua tài sản của Bên B) trả cho bên B. Với điều khoản ứng trước tiền này có phù hợp với quy định pháp luật? nếu phù hợp quy định pháp luật thì Ngân hàng có được giải ngân cho Bên A để ứng trước tiền cho Bên B? Nhờ Trung tâm tư vấn giúp, cảm ơn nhiều!

 

>> Giải đáp thắc mắc quy định pháp luật về bảo lãnh thanh toán, gọi: 19006169

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi của mình đến Công ty Luật Minh Gia. Đối với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin được tư vấn như sau:

 

1. Về Điều khoản ứng trước trong hợp đồng

 

Theo thông tin mà bạn cung cấp, Công ty A (thương nhân) là bên giao tài sản cho cá nhân/ pháp nhân B (gọi tắt là bên B - có thể là thương nhân hoặc không phải là thương nhân) làm trung gian bán tài sản. Trường hợp công ty A giao cho bên B hàng hóa để làm trung gian bán và hai bên đều có mục đích lợi nhuận trong hoạt động này thì ít nhất một trong hai bên hoặc cả hai bên đều phải là thương nhân.Theo đó, hình thức của hợp đồng ở đây có thể là đại lý ký gửi hoặc ủy thác mua bán hàng hóa. Trường hợp của bạn không rõ ràng về tư cách pháp lý của mỗi bên, bên A nhận tài sản và thực hiện giao dịch với bên thứ ba nhân danh bên B hay nhân danh chính mình, do thông tin chưa đầy đủ như vậy nên chúng tôi không thể kết luận chắc chắn trường hợp của bạn là ủy thác mua bán hàng hóa hay đại lý ký gửi (thuộc hoạt động thương mại) hoặc đơn giản chỉ là ủy quyền hay ký gửi (giao dịch dân sự - mục đích tiêu dùng, phi lợi nhuận).

 

Căb cứ theo Luật Thương mại 2005 quy định như sau:

 

"Điều 155. Uỷ thác mua bán hàng hóa

 

Uỷ thác mua bán hàng hoá là hoạt động thương mại, theo đó bên nhận uỷ thác thực hiện việc mua bán hàng hoá với danh nghĩa của mình theo những điều kiện đã thoả thuận với bên uỷ thác và được nhận thù lao uỷ thác.

 

Điều 156. Bên nhận uỷ thác

 

Bên nhận uỷ thác mua bán hàng hoá là thương nhân kinh doanh mặt hàng phù hợp với hàng hoá được uỷ thác và thực hiện mua bán hàng hoá theo những điều kiện đã thoả thuận với bên uỷ thác.

 

Điều 157. Bên uỷ thác

 

Bên uỷ thác mua bán hàng hoá là thương nhân hoặc không phải là thương nhân giao cho bên nhận uỷ thác thực hiện mua bán hàng hoá theo yêu cầu của mình và phải trả thù lao uỷ thác.

Điều 166. Đại lý thương mại

 

Đại lý thương mại là hoạt động thương mại, theo đó bên giao đại lý và bên đại lý thoả thuận việc bên đại lý nhân danh chính mình mua, bán hàng hoá cho bên giao đại lý hoặc cung ứng dịch vụ của bên giao đại lý cho khách hàng để hưởng thù lao.

 

Điều 167. Bên giao đại lý, bên đại lý

 

1. Bên giao đại lý là thương nhân giao hàng hoá cho đại lý bán hoặc giao tiền mua hàng cho đại lý mua hoặc là thương nhân uỷ quyền thực hiện dịch vụ cho đại lý cung ứng dịch vụ.

2. Bên đại lý là thương nhân nhận hàng hoá để làm đại lý bán, nhận tiền mua hàng để làm đại lý mua hoặc là bên nhận uỷ quyền cung ứng dịch vụ."

 

Đồng thời tại điều 562 Bộ luật dân sự năm 2015 quy định về hợp đồng ủy quyền như sau:

 

Điều 562. Hợp đồng ủy quyền

 

Hợp đồng ủy quyền là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên được ủy quyền có nghĩa vụ thực hiện công việc nhân danh bên ủy quyền, bên ủy quyền chỉ phải trả thù lao nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

 

Tuy nhiên điều có thể khẳng định đó là: dù trường hợp của bạn thuộc hình thức nào, pháp luật thương mại và dân sự cũng không quy định cụ thể bắt buộc bên nhận tài sản, hàng hóa phải ứng trước cho bên giao một khoản tiền, hay không cho phép ứng trước. Do vậy đây là điều khoản tùy nghi, hay nói cách khác, các bên trong hợp đồng có thể tự thỏa thuận và bằng thiện chí thực hiện thỏa thuận của mình để đảm bảo được quyền lợi của các bên hay bảo đảm cho giao dịch được thực hiện đầy đủ, tránh tranh chấp. Đi kèm với điều khoản ứng trước sẽ bao gồm việc khấu trừ để đảm bảo quyền lợi cho bên nhận tài sản, hàng hóa để bán.

 

Do vậy có thể kết luận điều khoản ứng trước và khấu trừ tiền ứng trước như trình bày của bạn nêu trên không trái với quy định của pháp luật.

 

2. Về việc ngân hàng có được phép giải ngân cho Bên A để ứng trước tiền cho Bên B không?

 

Về vấn đề ngân hàng giải ngân ứng trước tiền như bạn trình bày thuộc phạm vi điều chỉnh của pháp luật tín dụng về hoạt động bao thanh toán.

 

Theo Điều 4 Luật Các tổ chức tín dụng 2010 thì Bao thanh toán là hình thức cấp tín dụng cho bên bán hàng hoặc bên mua hàng thông qua việc mua lại có bảo lưu quyền truy đòi các khoản phải thu hoặc các khoản phải trả phát sinh từ việc mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ theo hợp đồng mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ.

 

Theo Điều 2 Quy chế hoạt động bao thanh toán của các tổ chức tín dụng được ban hành kèm theo Thông tư 02/2017/TT – NHNN giải thích khái niệm này như sau: Bao thanh toán bên bán hàng là việc đơn vị bao thanh toán mua lại có bảo lưu quyền truy đòi các khoản phải thu của khách hàng là bên bán hàng thông qua việc ứng trước tiền để được nhận quyền và lợi ích hợp pháp liên quan đến khoản phải thu theo thỏa thuận.

 

Như vậy, hiểu một cách đơn giản, bao thanh toán là việc tổ chức tín dụng thanh toán cho bên bán một khoản tiền để nhận được việc bên mua trong hợp đồng sẽ thanh toán lại cho tổ chức tín dụng một khoản lợi tương ứng giá trị hợp đồng mà bên bán và bên mua đã thỏa thuận.

 

Trên thực tế có rất nhiều loại hợp đồng mua bán tài sản có thể được phép bao thanh toán, cũng có nhiều loại hợp đồng mà pháp luật cấm các tổ chức tín dụng bao thanh toán, quy định tại Điều 19 của Quy chế:

 

Điều 6. Trường hợp không được bao thanh toán

 

Đơn vị bao thanh toán không được bao thanh toán đối với khoản phải thukhoản phải trả sau đây:

 

1. Phát sinh từ hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ bị pháp luật cấm.

 

2. Phát sinh từ hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ có thời hạn thanh toán còn lại dài hơn 180 ngày kể từ ngày nhận được đề nghị bao thanh toán.

 

3. Phát sinh từ hợp đồng mua, bán hàng hoá, cung ứng dịch vụ có thoả thuận không được chuyển giao quyền và nghĩa vụ trong hợp đồng.

 

4. Phát sinh từ hợp đồng cung ứng dịch vụ trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng và bảo hiểm theo quy định của Thủ tướng Chính phủ về Hệ thống ngành kinh tế của Việt Nam.

 

5. Đã được bao thanh toán hoặc đã được sử dụng để đảm bảo cho nghĩa vụ nợ khác.

 

6. Đã quá hạn thanh toán theo hợp đồng mua, bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ.

 

7. Đang có tranh chấp.

 

Như vậy có thể thấy rằng, nếu hợp đồng giữ bên A và bên B là hợp đồng ký gửi thì Ngân hàng không được phép bao thanh toán, hay nói theo cách của bạn là giải ngân cho bên A ứng trước tiền cho bên B. Ngoài những trường hợp bị cấm tại Điều 19 nêu trên thì ngân hàng được phép bao thanh toán.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Bao thanh toán của Ngân hàng đối với hợp đồng ký gửi. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

CV. Lương Đình Thiện - Công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo