Luật sư Việt Dũng

Bán hàng online mà bên đặt cọc không thực hiện hợp đồng thì giải quyết thế nào?

Luật sư giải đáp thắc mắc của khách hàng về việc giao kết thảo thuận mua bán thực phẩm chức năng qua mạng tuy nhiên bên đặt cọc không thực hiện hợp đồng thì giải quyết thế nào. Nội dung tư vấn như sau:

Kính gửi Luật sư Minh Gia!Em có một vấn đề trong hợp đồng buôn bán online, xin nhở luật sư Minh Gia tư vấn giúp em ạ!Em cũng mới bắt đầu kinh doanh online gần đây, cũng làm nhỏ để kiếm thêm thu nhập nuôi con nhỏ, nên cũng không có cửa hàng, không đăng ký kinh doanh.Em bán mỹ phẩm và thực phẩm chức năng dạng viên uống như viên uống trắng da, viên nở ngực, .... Đối với mấy mặt hàng đắt tiền em bán hàng order chứ không nhập về sẵn bán, khi nào khách đặt mua và đặt tiền cọc thì em mới lấy hàng về bán.Có một khách ở một Spa đặt hàng em số lượng hàng cũng lớn, lần đầu tiên là đặt hàng em vào ngày 1/4/2018, cọc trước 15 triệu, tổng số tiền hàng 34,5 triệu. Hẹn em 3 ngày nhận hàng và thanh toán tiếp. Sau đó thì báo phải về quê vài tuần, rồi đến qua lễ 30/4, rồi lại đặt tiếp em các số hàng khác, tổng tiền cọc là 49 triệu, nhận đủ hàng thanh toán tiếp em 52.050.000đ.

Do em tin tưởng vào khách vì khách đã cọc, nên cố gắng huy động các nguồn vốn để nhập hàng. Nhưng đến ngày giao hàng, khách bảo gia đình không biết nên xài hết tiền, đề nghị em giao hàng đúng số tiền cọc, bán hết rồi nhận hết số hàng còn lại.Em không đồng ý, vì đây là những hàng order và dạng thực phẩm cao cấp nên bình thường cũng rất khó bán.Khách đặt hàng mới nhập về. Em đề nghị khách gom đủ rồi nhận hàng, khách hứa với em 1 tuần. Em cũng có gợi ý nếu lấy theo từng gói đặt hàng thì em vẫn cho nhận từ từ. Ví dụ: khách đặt em viên uống trắng da, viên nở ngực, kem body, mỗi món hàng có từng gói cọc riêng, em vẫn cho phép khách nhận theo từng gói, hoặc hỗ trợ cho nhận một ít rồi chừa cọc lại. Nhưng khách đòi nhận đủ hàng đúng tiền cọc, không thì từ từ gom rồi lấy. Đến nay đã hơn 3 tuần, em có gọi điện, nhắn tin đều không trả lời. 

Em có hỏi nơi em nhập hàng, họ nói cứ bán từ từ, nếu sau 12 tháng không bán được hàng thì họ hỗ trợ cho thu lại sản phẩm. Họ nói nếu khách cọc quá 30 ngày không lấy hàng  nếu dưới 100 triệu, thì bên bán có quyền ủy cọc. Vì bên họ cũng có gặp trường hợp như vậy.Em cũng muốn trao đổi với họ, đề nghi họ lấy bớt hàng theo từng gói đã đặt hoặc lấy một số nhưng để cọc lại, nhưng hôm đó nay em đã không liên lạc được, gọi điện chuống reo nhưng không nghe máy, nhắn tin có xem nhưng không trả lời. Họ đặt cọc bằng hình thức chuyển khoản, lúc đầu em đề nghị họ chuyển khoản vào tài khoản của em là bên VP Bank, họ nói không có liên kết với VP Bank vì họ chuyển online qua Vietin Bank, nên hỏi em có số tài khoản đó không. Em cung cấp cho họ số tài khoản bên em nhập hàng để họ chuyển thẳng qua, mỗi lần chuyển bên nhập hàng đều có xác nhận là đã nhận đủ tiền, còn phần còn lại em thanh toán tiền mặt khi nhập hàng vào.

Xin Luật sư cho em hỏi  theo đúng về luật thì em có được quyền ủy cọc hay nếu quá 30 ngày không ạ và em đã liên hệ nhiều lần nhưng đều không trả lời, (hơn 2/3 số hàng đến nay đã gần 2 tháng rồi ạ)Em xin chân thành cảm ơn ạ!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty luật Minh Gia, với vụ việc của bạn chúng tôi có quan điểm tư vấn như sau:

 

Trước hết giữa bạn và khách hàng đã có một thỏa thuận đặt cọc, bên khách hàng đặt cọc để mua sản phẩm của bên bạn. Do đó căn cứ theo quy định tại điều 328 Bộ luật dân sự năm 2015 về đặt cọc để làm căn cứ pháp lý giải quyết vấn đề. Cụ thể:

 

Điều 328. Đặt cọc

 

1. Đặt cọc là việc một bên (sau đây gọi là bên đặt cọc) giao cho bên kia (sau đây gọi là bên nhận đặt cọc) một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc vật có giá trị khác (sau đây gọi chung là tài sản đặt cọc) trong một thời hạn để bảo đảm giao kết hoặc thực hiện hợp đồng.

 

2. Trường hợp hợp đồng được giao kết, thực hiện thì tài sản đặt cọc được trả lại cho bên đặt cọc hoặc được trừ để thực hiện nghĩa vụ trả tiền; nếu bên đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì tài sản đặt cọc thuộc về bên nhận đặt cọc; nếu bên nhận đặt cọc từ chối việc giao kết, thực hiện hợp đồng thì phải trả cho bên đặt cọc tài sản đặt cọc và một khoản tiền tương đương giá trị tài sản đặt cọc, trừ trường hợp có thỏa thuận khác

 

Theo đó bạn là bên nhận cọc, bên khách hàng là bên đặt cọc cùng nhau thỏa thuận đặt khoản tiền để mua số sản phẩm chức năng bạn kinh doanh. Vì không rõ toàn bộ số tiền đã đặt cọc qua 3 đợt trên là tiền đặt cọc để giao kết hợp đồng mua bán hay số tiền trên đã bao gồm cả khoản tiền mua hàng. Chúng tôi chia thành 2 trường hợp như sau:

 

Thứ nhất, số tiền bên khách hàng đã chuyển khoản là tiền đặt cọc. Đến thời điểm thỏa thuận thực hiện hợp đồng tuy nhiên bên đặt cọc không thực hiện hợp đồng. Giữa hai bên thỏa thuận và gia hạn thời hạn thực hiện hợp đồng, đồng thời bạn cũng đã cố gắng liên lạc nhưng phía bên khách hàng không có phản hồi. Do đó mà có thể xác định phía bên khách hàng đã không thực hiện hơp đồng, việc không tiếp tục giao dịch xuất phát từ phía khách hàng, cho nên số tiền đặt cọc thuộc về bên bạn (nếu quá trình đặt cọc các bên không có thỏa thuận khác).

 

Thứ hai, số tiền khách hàng gửi bạn là bao gồm cả tiền thực hiện trả tiền mua hàng, tức là hợp đồng đã được thực hiện mà bên khách hàng chưa hoàn trả hết. Khi này hai bên sẽ căn cứ theo thỏa thuận về các trường hợp chấm dứt thực hiện giao dịch để làm căn cứ xác định có được đơn phương chấm dứt hay không. Nếu theo thỏa thuận từ trước đó có quy định về việc nếu bên khách hàng không thực hiện giao đủ tiền đúng hạn thì bên bán có quyền chấm dứt thực hiện hợp đồng thì bạn sẽ được chấm dứt. 

Ngoài ra bạn cũng có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng theo quy định tại điều 428 Bộ luật dân sự năm 2015. Cụ thể:

 

Điều 428. Đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng

 

1. Một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

 

2. Bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

 

3. Khi hợp đồng bị đơn phương chấm dứt thực hiện thì hợp đồng chấm dứt kể từ thời điểm bên kia nhận được thông báo chấm dứt. Các bên không phải tiếp tục thực hiện nghĩa vụ, trừ thỏa thuận về phạt vi phạm, bồi thường thiệt hại và thỏa thuận về giải quyết tranh chấp. Bên đã thực hiện nghĩa vụ có quyền yêu cầu bên kia thanh toán phần nghĩa vụ đã thực hiện.

 

4. Bên bị thiệt hại do hành vi không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng của bên kia được bồi thường.

 

5. Trường hợp việc đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng không có căn cứ quy định tại khoản 1 Điều này thì bên đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng được xác định là bên vi phạm nghĩa vụ và phải thực hiện trách nhiệm dân sự theo quy định của Bộ luật này, luật khác có liên quan do không thực hiện đúng nghĩa vụ trong hợp đồng.

 

Trân trọng!

CV tư vấn: Hà Tuyền - Luật Minh Gia

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo