Luật sư Dương Châm

Áp dụng thời hiệu thừa kế khi người để lại di sản chết trước năm 1990

Thời hiệu thừa kế được quy định như thế nào? Người để lại di sản chết trước năm 1990 thì áp dụng thời hiệu thừa kế ra sao? Luật Minh Gia giải đáp thắc mắc liên quan đến thời hiệu thừa kế qua nội dung tư vấn sau đây:

1. Luật sư tư vấn Luật Dân sự

Sau khi mở thừa kế, những người thừa kế có thể thỏa thuận phân chia di sản thừa kế. Trong trường hợp có tranh chấp về di sản, người thừa kế có quyền khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp, tuy nhiên phải lưu ý đến vấn đề thời hiệu. Theo quy định của pháp luật, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản và 10 năm đối với động sản. Dù vậy, thời hiệu chỉ là một trong các điều kiện để khởi kiện, nếu cả hai bên tranh chấp cùng thỏa thuận không áp dụng thời hiệu thì Tòa án vẫn thụ lý yêu cầu giải quyết tranh chấp.

Để nắm rõ các quy định về vấn đề này, bạn hãy tìm hiểu Bộ luật Dân sự 2015 hoặc liên hệ với Công ty Luật Minh Gia chúng tôi qua Hotline 1900.6169 để chúng tôi tư vấn cụ thể hơn về:

- Thủ tục phân chia di sản thừa kế;

- Thời hiệu thừa kế;

- Giải quyết tranh chấp về thừa kế.

Ngoài ra, bạn tham khảo thêm tình huống chúng tôi cung cấp sau đây để tìm hiểu thêm và áp dụng vào trường hợp của mình.

2. Tư vấn về thời hiệu thừa kế

Câu hỏi: Theo quy định tại Bộ luật dân sự 2015 thì thời hiệu khởi kiện chia thừa kế là 30 năm đối với bất động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Đối với trường hợp người để lại di sản chết trước năm 1990 thì cách xác định thời hiệu thừa kế như thế nào?

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Căn cứ theo quy định của Bộ luật dân sự năm 2015, tại Điều 623 Thời hiệu thừa kế:

“1. Thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, 10 năm đối với động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Hết thời hạn này thì di sản thuộc về người thừa kế đang quản lý di sản đó. Trường hợp không có người thừa kế đang quản lý di sản thì di sản được giải quyết như sau:

a) Di sản thuộc quyền sở hữu của người đang chiếm hữu theo quy định tại Điều 236 của Bộ luật này;

b) Di sản thuộc về Nhà nước, nếu không có người chiếm hữu quy định tại điểm a khoản này”.

Như vậy, thời hiệu để người thừa kế yêu cầu chia di sản là 30 năm đối với bất động sản, kể từ thời điểm mở thừa kế. Tuy nhiên, đối với trường hợp người để lại di sản thừa kế chết trước năm 1990, căn cứ theo quy định của Nghị quyết 02/2004/NQ-HĐTP:

”2.2. Thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế

a) Đối với trường hợp thừa kế mở trước ngày 01/7/1996, thì thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế được thực hiện theo quy định tại Điều 36 của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và hướng dẫn tại Nghị quyết 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao "hướng dẫn áp dụng một số quy định của Pháp lệnh Thừa kế".

Khi xác định thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế mà thời điểm mở thừa kế trước ngày 01/7/1991 và di sản là nhà ở thì thời gian từ ngày 01/7/1996 đến ngày 01/01/1999 không tính vào thời hiệu khởi kiện.

b) Đối với trường hợp thừa kế mở từ ngày 01/7/1996 thì thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế được thực hiện theo quy định tại Điều 648 của Bộ luật Dân sự”.

Đối chiếu với các quy định của Pháp lệnh Thừa kế năm 1990 và Nghị quyết 02/HĐTP ngày 19/10/1990 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao thì: Đối với những việc thừa kế đã mở trước ngày 10/9/1990 (trước ngày công bố Pháp lệnh Thừa kế năm 1990) thì thời hiệu khởi kiện được tính từ ngày 10/9/1990.

Như vậy, trường hợp thừa kế mở trước ngày 10/9/1990 thì thời hiệu khởi kiện chia di sản thừa kế là bất động sản được tính từ ngày 10/9/1990.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề chị hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, chị vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo