Luật sư Dương Châm

Ai có nghĩa vụ nộp phí thi hành án dân sự?

Tôi là nguyên đơn trong vụ án khởi kiện yêu cầu đòi nợ. Sau khi có bản án của Tòa án tuyên bị đơn phải trả cho tôi khoản nợ cả gốc và lãi là 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, bản án đã có nhưng người đó vẫn không chịu trả nợ cho tôi. Vậy cho tôi hỏi, trường hợp này nếu tôi làm đơn ra cơ quan thi hành án dân sự để cưỡng chế thì tôi có phải nộp phí thi hành án hay người kia sẽ phải chịu phí thi hành án?

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Căn cứ theo quy định tại Điều 60 Luật thi hành án dân sự 2008 (sửa đổi, bổ sung năm 2014) về Phí thi hành án dân sự thì: “Người được thi hành án phải nộp phí thi hành án dân sự”.

 

Như vậy, về nguyên tắc thì người được thi hành án khi nhận được tiền, tài sản theo bản án, quyết định thì phải nộp phí thi hành án dân sự. Mức thu phí thi hành án dân sự theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Thông tư 216/2016/TT-BTC:

 

“1. Người được thi hành án phải nộp phí thi hành án dân sự như sau:

 

a) Số tiền, giá trị tài sản thực nhận từ trên hai lần mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang do Nhà nước quy định đến 5.000.000.000 đồng thì mức phí thi hành án dân sự là 3% số tiền, giá trị tài sản thực nhận

…”.

Như vậy, trường hợp bạn là người được thi hành án thì sẽ phải nộp phí thi hành án dân sự. Với giá trị tài sản là 3 tỷ thì bạn sẽ phải nộp phí thi hành án là 3% x 3.000.000.000 = 90.000.000 đồng.

 

Về phía người phải thi hành án sẽ phải chịu chi phí cưỡng chế thi hành án để tổ chức cưỡng chế thi hành án. Các chi phí cưỡng chế thi hành án do người phải thi hành án chịu theo Điều 4 Thông tư 200/2016/TT-BTC bao gồm:

 

- Chi phí thông báo về cưỡng chế;

 

- Chi phí mua nguyên liệu, nhiên liệu; thuê phương tiện, thiết bị bảo vệ, y tế, phòng, chống cháy, nổ, các thiết bị, phương tiện cận thiết khác cho việc cưỡng chế thi hành án;

 

- Chi phí cho việc định giá, định giá lại tài sản, giám định tài sản, bán đấu giá tài sản;

 

- Chi phí cho việc thuê, trông coi, bảo quản tài sản; chi phí bốc dỡ, vận chuyển tài sản; chi phí thuê nhân công và khoản chi phục vụ cho việc xây ngăn, phá dỡ; chi thuê đo đạc, xác định mốc giới để thực hiện việc cưỡng chế thi hành án;

 

- Chi phí cho việc tạm giữ, thu giữ tài sản, giấy tờ, tài liệu;

 

- Chi tiền bồi dưỡng cho những người trực tiếp tham gia cưỡng chế và bảo vệ cưỡng chế thi hành án;

 

- Chi phí kê biên, xử lý tài sản tương ứng với tỷ lệ số tiền, tài sản mà họ thực nhận;

 

- Các khoản chi phí khác do pháp luật quy định phục vụ cho cưỡng chế.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn hỏi và quan tâm. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ cần luật sư giải đáp, bạn vui lòng gọi đến Tổng đài tư vấn pháp luật trực tuyến của chúng tôi - Số điện thoại liên hệ: 1900.6169 để được hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng!

Phòng Luật sư tư vấn - Công ty Luật Minh Gia

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo