Luật sư Phùng Gái

Trách nhiệm dân sự đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng dân sự ?

Câu hỏi tư vấn: Công ty của gia đình tôi có kí hợp đồng với một doanh nghiệp tư nhân (DNTN), theo đó mỗi tháng công ty tôi sẽ giao cho DNTN 4000 đến 6000 lít dầu và DNTN phải thanh toán tiền trong vòng 30 ngày kể từ ngày giao hàng, nếu không sẽ trả mỗi ngày là 0.2% tiền lãi nợ quá hạn. Hợp đồng có hiệu lực từ ngày 22/11/2015.

 

  Ngày 22/11/2015, công ty nhà tôi đã giao cho DNTN 4000 lít dầu với giá 60000000, DNTN trả 30000000 vào đợt giao hành tiếp theo vào 5/1/2016 còn thiếu 30000000.Cùng ngày 22/1/2016, công ty nhà tôi đã giao tiếp tục cho DNTN 6000 lít dầu với giá 90000000.Sau đợt hàng này phía DNTN không thanh toán tiền cho công ty chúng tôi theo đúng thỏa thuận nên công ty tôi không tiếp tục giao hàng và có công văn yêu cầu DNTN phải trà hết tiền còn nợ mới giao hàng tiếp. Đến ngày 10/3/2016 DNTN đã trả cho công ty chúng tôi 50 triệu còn thiếu 40 triệu đồng thời yêu cầu công ty chúng tôi giao hàng nhưng công ty chúng tôi không giao vì lý do DNTN chưa trả hết nợ.

 

Do nhiều lần đòi nợ không thành nên ngày 10/7/2016 công ty chúng tôi đã làm đơn khởi kiện yêu cầu DNTN trả hết số tiền còn thiếu. Tuy nhiên sau đó DNTN lại kiện công ty chúng tôi yêu cầu bồi thường thiệt hại vì chúng tôi không giao hàng làm DNTN không có hàng để giao cho doanh nghiệp khác vì vi phạm hợp đồng, và họ yêu cầu bồi thường thiệt hại số tiền là 70 triệu đồng.Thưa luật  sư chúng tôi có phài bồi thường thiệt hại cho DNTN không?

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn tới công ty Luật Minh Gia, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo thông tin bạn cung cấp chúng tôi xác định hợp đồng mà công ty ký với doanh nghiệp tư nhân là hợp đồng dân sự, nên khi hợp đồng được giao kết hai bên có nghĩa vụ thực hiện theo đúng điều khoản thể hiện trong hợp đồng bắt đầu từ thời điểm hợp đồng có hiệu lực ngày 22/11/2015. Do đó, Bộ luật dân sự năm 2005 quy định.

 

Điều 388. Khái niệm hợp đồng dân sự

 

Hợp đồng dân sự là sự thoả thuận giữa các bên về việc xác lập, thay đổi hoặc chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự.

 

Điều 280. Nghĩa vụ dân sự

 

Nghĩa vụ dân sự là việc mà theo đó, một hoặc nhiều chủ thể (sau đây gọi chung là bên có nghĩa vụ) phải chuyển giao vật, chuyển giao quyền, trả tiền hoặc giấy tờ có giá, thực hiện công việc khác hoặc không được thực hiện công việc nhất định vì lợi ích của một hoặc nhiều chủ thể khác (sau đây gọi chung là bên có quyền).

 

Điều 302. Trách nhiệm dân sự do vi phạm nghĩa vụ dân sự

 

1. Bên có nghĩa vụ mà không thực hiện hoặc thc hiện không đúng nghĩa vụ thì phải chịu trách nhiệm dân sự đối với bên có quyền.

 

2. Trong trường hợp bên có nghĩa vụ không thể thực hiện được nghĩa vụ dân sự do sự kiện bất khả kháng thì không phải chịu trách nhiệm dân sự, trừ trường hợp có thoả thuận khác hoặc pháp luật có quy định khác.

 

3. Bên có nghĩa vụ không phải chịu trách nhiệm dân sự nếu chứng minh được nghĩa vụ không thực hiện được là hoàn toàn do lỗi của bên có quyền.

 

Như vậy, đối chiếu quy định trên với trường hợp của công ty thì phải xác định trong hợp đồng mà hai bên ký kết có điều khoản trách nhiệm, nghĩa vụ và quyền không thực hiện nghĩa vụ khi một trong các bên vi phạm hay không. Theo đó, trường hợp hợp đồng chỉ quy định hàng tháng công ty có trách nhiệm giao từ 4000-6000 lít dầu cho doanh nghiệp tư nhân và nhận tiền trong thời hạn 30 ngày từ ngày giao hàng, việc chậm thanh toán thì sẽ áp dụng lãi suất chậm nộp 0,2%/ngày nhưng không có quy định khi một bên không thực hiện nghĩa vụ thanh toán đúng hạn như giao kết thì công ty có quyền được áp dụng hình thức, biện pháp nào không (ngưng giao hàng khi chưa hoàn tất nghĩa vụ thanh toán...).

 

Nên trường hợp này việc doanh nghiệp chưa thanh toán hết số tiền nợ cho đợt giao hàng từ ngày 22/11/2015 và đợt giao hàng thứ hai ngày 5/1/2016 doanh nghiệp còn nợ 30.000.000 đồng và đợt giao hàng thứ 3 là 6000 lít dầu - tổng số nợ cho công ty bạn còn 40.000.000 đồng và công ty dựa vào đó để không tiếp tục giao hàng dẫn tới doanh nghiệp không có hàng (dầu) để chuyển cho khách hàng gây thiệt hại cho doanh nghiệp và doanh nghiệp chứng minh được thiệt hại ở đây thì công ty bạn vẫn phải có trách nhiệm thanh toán tiền bồi thường do lỗi của mình dẫn tới thiệt hại này. Đối với con số 70.000.000 đồng mà doanh nghiệp yêu cầu bồi thường thì công ty sẽ xác định xem giá trị thiệt hại thực tế ở đây là bao nhiêu để làm căn cứ xác định yêu cầu bồi thường có thỏa đáng hay không.

 

Tuy nhiên, trong trường hợp hợp đồng có quy định về điều khoản khi phía bên doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ thanh toán đúng hạn thì công ty có quyền ngưng, không tiếp tục giao hàng đến khi doanh nghiệp thanh toán xong nợ thì yêu cầu bồi thường của doanh nghiệp đưa ra là không có căn cứ, cơ sở nên công ty bạn không có trách nhiệm bồi thường. Vì nguyên nhân gây thiệt hại ở đây là do lỗi của doanh nghiệp không thực hiện theo đúng hợp đồng giao kết nên công ty có quyền không giao hàng dẫn tới không có hàng (dầu) chuyển qua cho khách hàng gây thiệt hại.

 

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Trách nhiệm dân sự đối với hành vi vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng dân sự ?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

CV P.Gái - công ty Luật Minh Gia.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo