Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Mắng chửi con cháu có phải hành vi bạo lực gia đình không?

Tôi có vướng mắc về việc như thế nào là hành vi bạo lực gia đình. Trường hợp của tôi cụ thể như sau:


Nội dung yêu cầu tư vấn: Chào luật sư!

Tôi có trường hợp này kính mong luật sư giải đáp giúp tôi. Ba má và anh em tôi ở nhà chung với ngoại. Ngoại chửi rủa ba má và anh em tôi từ sáng đến chiều tối, từ tối đến sáng và từ ngày này qua ngày khác. Ngoại có con đi nước ngoài được mấy chục năm, nhưng những cô và cậu này bỏ lại ngoại cho má tôi chăm sóc. Trong khi ở Việt Nam, ngoại còn có 1 người con trai và 1 người con gái nữa, hai người này không chăm lo gì cho ngoại, lâu lâu còn ghé thăm rút tiền của ngoại nữa vậy mà ngoại không chửi những người này, ngoại thương những người này. Trái lại, ba má và anh em tôi chăm lo cho ngoại, tuổi già hay bệnh, phải nằm viện cũng một tay ba má lo vệ sinh, tắm rửa, lo tiền thuốc, vậy mà ngoại chửi rủa ba má tôi hoài. Bà con lối xóm chung quanh nói ngoại không biết chuyện, ba má và gia đình tôi lo mấy chục năm nay vậy mà cứ nói gia đình tôi không lo, không thương và còn đuổi gia đình tôi nữa.

Vậy luật sư cho tôi hỏi, trường hợp gia đình tôi như vậy có phải là bị bạo hành gia đình không. Và tôi phải liên hệ cơ quan nào để được yêu cầu giải quyết. Nói thêm là lần đó tôi có liên hệ tổ trưởng khu phố xuống nhưng ông không xuống, ông nói bả cũng chín mươi mấy tuổi rồi chú vào nói bả cũng không nghe đâu. Tôi phải đi đến ban bảo vệ dân phố và nhờ họ xuống, họ cũng xuống nói ngoại đừng la, đừng chửi rủa nữa để người ta ngủ nghỉ, sáng còn phải đi làm nữa nhưng ngoại không nghe, ngoại nói mấy ông làm ơn bắt tôi về phường đi tôi khổ quá rồi (tôi khôn hiểu ngoại nói ngoại khổ là khổ cái gì nữa)

Xin luật sư giúp tôi và chân thành cám ơn!
 

 Mắng chửi con cháu có phải hành vi bạo lực gia đình không?
Tư vấn về hành vi bạo lực gia đình. 
 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Luật phòng chống bạo lực gia đình 2007 quy định:
 
Điều 2. Các hành vi bạo lực gia đình

“1. Các hành vi bạo lực gia đình bao gồm:
a) Hành hạ, ngược đãi, đánh đập hoặc hành vi cố ý khác xâm hại đến sức khoẻ, tính mạng;
b) Lăng mạ hoặc hành vi cố ý khác xúc phạm danh dự, nhân phẩm;
c) Cô lập, xua đuổi hoặc gây áp lực thường xuyên về tâm lý gây hậu quả nghiêm trọng;

d) Ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu; giữa cha, mẹ và con; giữa vợ và chồng; giữa anh, chị, em với nhau;…
…h) Cưỡng ép thành viên gia đình lao động quá sức, đóng góp tài chính quá khả năng của họ; kiểm soát thu nhập của thành viên gia đình nhằm tạo ra tình trạng phụ thuộc về tài chính;
i) Có hành vi trái pháp luật buộc thành viên gia đình ra khỏi chỗ ở…”

Như vậy, hành vi lăng mạ, chửi bới nhằm xúc phạm nhân phẩm danh dự nhân phẩm các thành viên trong gia đình cũng được coi là hành vi bạo lực gia đình.

Theo đó, để chấm dứt tình trạng này, Điều 18 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình quy định như sau:
 
“1. Người phát hiện bạo lực gia đình phải kịp thời báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 23 và khoản 4 Điều 29 của Luật này.
 
2. Cơ quan công an, Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư khi phát hiện hoặc nhận được tin báo về bạo lực gia đình có trách nhiệm kịp thời xử lý hoặc kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xử lý; giữ bí mật về nhân thân và trong trường hợp cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ người phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình”.

Tóm lại, gia đình bạn có thể yêu cầu Cơ quan công an hoặc UBND xã can thiệp để hòa giải, khuyên ngăn hành vi tiêu cực của bà ngoại bạn.

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn: Mắng chửi con cháu có phải hành vi bạo lực gia đình không?. Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hỗ trợ pháp lý khác bạn vui lòng liên hệ qua Email hoặc gọi điện đến bộ phận luật sư tư vấn trực tuyến - Số điện thoại liên hệ 1900.6169 để được giải đáp, hỗ trợ kịp thời.

 

Trân trọng

!
Luật Gia: Nguyễn Thảo - Công ty Luật Minh Gia

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo