Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Đóng bảo hiểm xã hội bao lâu thì được hưởng chế độ thai sản?

Câu hỏi đề nghị tư vấn: Chào anh chị công ty Luật Minh Gia! Tôi xin được tư vấn về trường hợp của mình như sau: Tôi hiện đang có thai 3 tháng tuổi, ngày dự sinh là 28/7/2018. Tôi đã tham gia bảo hiểm xã hội từ năm 2016. Tuy nhiên từ tháng 1/2017 tôi chuyển sang công ty khác và tham gia bảo hiểm công ty này từ tháng 3/2017 đến 1/2018.

Hiện công ty cắt giảm nhân sự nên tôi phải nghỉ việc vào cuối tháng 1/2018. Vậy kính mong công ty tư vấn giúp trường hợp của tôi có được nhận bảo hiểm thai sản không? Tôi xin cảm ơn! 

 

Trả lời tư vấn:

 

Chào anh/chị! Cảm ơn anh/chị đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, Đối với yêu cầu hỗ trợ của anh/chị chúng tôi đã tư vấn như sau:

 

Theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 về điều kiện hưởng thai sản. Cụ thể:

 

Điều 31. Điều kiện hưởng chế độ thai sản

 

1. Người lao động được hưởng chế độ thai sản khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Lao động nữ mang thai;

b) Lao động nữ sinh con;

c) Lao động nữ mang thai hộ và người mẹ nhờ mang thai hộ;

d) Người lao động nhận nuôi con nuôi dưới 06 tháng tuổi;

đ) Lao động nữ đặt vòng tránh thai, người lao động thực hiện biện pháp triệt sản;

e) Lao động nam đang đóng bảo hiểm xã hội có vợ sinh con.

 

2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

 

3. Người lao động quy định tại điểm b khoản 1 Điều này đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 12 tháng trở lên mà khi mang thai phải nghỉ việc để dưỡng thai theo chỉ định của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền thì phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 03 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con.

 

Như vậy, dẫn chiếu quy định trên với trường hợp của bạn thì nếu tính đóng bảo hiểm hết tháng 1/2018 và việc sinh trong thời gian dự kiến trên thì thời gian 12 tháng trước sinh của bạn đã đóng được 6 tháng bảo hiểm bắt buộc nên sau khi nghỉ việc bạn vẫn đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản.

 

-----------------

Câu hỏi thứ 2 - Bồi thường chi phí đào tạo khi được tỉnh cử đi học trong trường hợp nào?

 

Kính chào cô chú! Cháu trình bày việc như sau rất mong nhận được tư vấn ạ. Hiện cháu vừa tốt nghiệp 6 năm ra trường, ban đầu cháu đi học theo liên kết đào tạo của tỉnh. Theo cháu đc biết thông tin à tỉnh sẽ giữ bằng của cháu, cháu về tỉnh công tác theo sự phân công. Nhưng do cháu chuẩn bị lấy chồng ở địa phương khác nên rất muốn lấy bằng nên cháu nhờ cô chú tư vấn giúp cháu. Cháu có 1 số thắc mắc như sau ạ: Cháu đi học theo QĐ số 889/QĐ-BGDĐT, theo địa phương có suất đi học trong quá trình học 6 năm + 7 tháng học dự bị gia đình cháu tự túc nộp hoàn toàn học phí + kinh phí đào tạo trong suốt thời gian học, trong quy định và hợp đồng có nêu rõ cháu về địa phương công tác. Nay cháu muốn rút bằng đi có được không ạ. Nếu phải bồi thường thì bồi thường như thế nào ạ. Cháu rất mong sớm nhận được tư vấn từ cô chú ạ!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với yêu cầu tư vấn của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Căn cứ thông tin bạn cho biết thì bạn đi học theo liên kết đào tạo của tỉnh, sau khi tốt nghiệp thì bạn về tỉnh công tác theo sự phân công, hiện tại UBND tỉnh đang giữ bằng tốt nghiệp của bạn. Hiện nay, pháp luật hiện hành không có quy định về việc Ủy ban nhân dân tỉnh được phép giữ bằng tốt nghiệp của người cử đi học sau khi tốt nghiệp, Ủy ban nhân dân tỉnh có thể nhận bàn giao hồ sơ và bằng tốt nghiệp từ các cơ sở giáo dục, sau đó trả lại cho người được cử đi học. Do đó, hành vi giữ lại bằng tốt nghiệp của bạn là không có căn cứ pháp luật. Bên cạnh đó, liên quan đến chi phí, kinh phí đào tạo trong thời gian bạn đi học là hoàn toàn gia đình bạn tự túc thì phía Ủy ban nhân dân tỉnh không có căn cứ yêu cầu bạn bồi thường.

 

Ngoài ra, trường hợp bạn được cử đi học theo diện cử tuyển thì căn cứ theo quy định tại Nghị định 134/2006/NĐ-CP thì đơn vị thực hiện cử tuyển cũng không được phép giữ bằng của người được cử đi học theo diện cử tuyển. Về vấn đề bồi thường chi phí đào tạo, tại Điều 12 Nghị định 134/2006/NĐ-CP quy định về các trường hợp phải bồi thường chi phí đào tạo như sau:

 

Điều 12. Trường hợp phải bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo

 

Người học theo chế độ cử tuyển thuộc một trong các trường hợp sau đây thì phải bồi hoàn học bổng chi phí đào tạo:

 

1. Người bị kỷ luật buộc thôi học hoặc tự thôi học nhưng không có lý do chính đáng được cơ quan cử đi học chấp thuận.

 

2. Người không chấp hành sự phân công công tác theo quy định tại Nghị định này sau khi tốt nghiệp.

 

3. Người có thời gian làm việc dưới 60 tháng (đối với người học trình độ đại học, cao đẳng) và dưới 36 tháng (đối với người học trình độ trung cấp) theo sự phân công công tác của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

 

4. Người bị kỷ luật không được phân công công tác sau khi tốt nghiệp hoặc bị thôi việc trong thời gian đang chấp hành sự phân công công tác.

 

Như vậy, trường hợp của bạn nếu được cử đi học theo diện cử tuyển thì bạn chỉ phải bồi thường chi phí đào tạo khi thuộc một trong các trường hợp theo quy định nêu trên. Trong trường hợp, bạn tự túc hoàn toàn học phí trong quá trình học thì bạn không phải bồi thường chi phí đào tạo.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo