Cà Thị Phương

Đóng bảo hiểm 13 năm thì được hưởng chế độ gì?

Luật sư tư vấn về trường hơp người lao động đóng bảo hiểm 13 năm thì sẽ được hưởng chế độ gì? Nội dung tư vấn như sau:

Câu hỏi tư vấn: Xin chào bạn, mình có thắc mắc cần giải đáp, mong bạn trả lời giúp mình: Mẹ mình công tác trong Quân đội 4 năm từ năm 1984 đến 1988 là Công nhân viên quốc phòng, mẹ mình hiện đang làm tại doanh nghiệp, mẹ mình 53 tuổi và đã đóng Bảo hiểm xã hội 13 năm. Không biết có được nối BHXH hay có chế độ hưởng nào không ạ. Mình cảm ơn ạ, nếu được thì cho mình xin văn bản hướng dẫn luôn ạ. Xin cảm ơn.

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Theo thông tin bạn cung cấp, từ năm 1984 đến năm 1988 mẹ bạn là công nhân viên quốc phòng công tác trong quân đội và hiện tại mẹ bạn đang làm việc cho doanh nghiệp. Tại Khoản 6 Điều 123 Luật bảo hiểm xã hội 2014 có quy định về điều khoản chuyển tiếp như sau:

 

“6. Người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 nếu đủ điều kiện hưởng nhưng chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp xuất ngũ, phục viên thì thời gian đó được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Việc tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội được thực hiện theo các văn bản quy định trước đây về tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, quân nhân, và công an nhân dân.”

 

Như vậy, mẹ bạn có thời gian công tác trong quân đội trước ngày 01/01/1995 đây được xác định là thời gian làm việc trong khu vực nhà nước. Căn cứ theo quy định đã nêu trên thì thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01/01/1995 nếu đủ điều kiện hưởng nhưng chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp xuất ngũ, phục viên thì được tính là thời gian có đóng bảo hiểm xã hội. Nếu mẹ bạn thuộc trường hợp này thì có căn cứ xem xét để cộng nối thời gian tham gia bảo hiểm xã hội.

 

Trong trường hợp của mẹ bạn, do mẹ bạn chưa đóng đủ 20 năm bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật bảo hiểm để hưởng chế độ hưu trí do đó trong trường hợp này mẹ bạn có thể lựa chọn một trong các phương án sau:

 

Thứ nhất, tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội đến khi đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí

 

Trong trường hợp này mẹ bạn có thể tiếp tục quan hệ lao động để tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đến khi đủ điều kiện về tuổi (đủ 55 tuổi đối với nữ) và số năm tham gia bảo hiểm (đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội).

 

Hoặc mẹ bạn có thể lựa chọn hình thức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện tại địa phương. Với trường hợp đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện do mẹ bạn chưa đủ 55 tuổi nên mẹ bạn có thể bảo lưu số năm đóng bảo hiểm xã hội đến khi đủ 55 tuổi sau đó mới liên hệ với cơ quan bảo hiểm xã hội tại địa phương để tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện. Khi đó mẹ bạn có thể đóng một lần cho những năm còn thiếu để đủ điều kiện hưởng chế độ hưu trí theo quy định tại Điềm e Khoản 1 Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP như sau:

 

“Điều 9. Phương thức đóng

e) Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

…”

 

Thứ hai, mẹ bạn có thể làm thủ tục để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần

 

Tại Khoản 1 Điều 1 Nghị quyết 93/2015/QH13 về việc thực hiện chính sách hưởng bảo hiểm xã hội một lần đối với người lao động có quy định như sau:

 

“1. Người lao động được bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội để đủ điều kiện hưởng lương hưu nhằm bảo đảm cuộc sống khi hết tuổi lao động theo quy định của Luật bảo hiểm xã hội năm 2014.

 

Trường hợp người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau một năm nghỉ việc, người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện sau một năm không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội khi có yêu cầu thì được nhận bảo hiểm xã hội một lần.”

 

Như vậy, nếu mẹ bạn không có nhu cầu hưởng lương hưu thì sau một năm nghỉ việc không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội thì có thể làm hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Hồ sơ bao gồm: Đơn xin hưởng bảo hiểm xã hội một lần, sổ bảo hiểm xã hội đã chốt và sổ hộ khẩu (hoặc sổ tạm trú). Hồ sơ được gửi đến cơ quan bảo hiểm xã hội quận huyện nơi mẹ bạn đang cư trú.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo