Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Chế độ thai sản của người lao động - Vấn đề pháp lý liên quan?

Luật sư tư vấn thắc mắc và hướng dẫn quy định về chế độ bảo hiểm thai sản như: Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động và thời giờ làm việc của người lao động, trường hợp người lao động có được giải quyết chế độ thai sản khi công ty trốn đóng bảo hiểm? Các vấn đề khác liên quan. Cụ thể như sau:

1. Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động và thời giờ làm việc của Người lao động.

 

Câu hỏi: Xin chào Công ty Luật Minh Gia! Hiện nay, vì khó khăn tài chính mà đơn vị chúng tôi (Trường Đại học) phải nghỉ luân phiên, giãn việc cho khối Hành chính, phục vụ. Cụ thể là từ tháng 6 này chúng tôi chỉ đi làm và hưởng 50% ngày công lao động/tháng. Xin Quý Công ty tư vấn giúp: 1. Trong thời gian nghỉ luân phiên giãn việc, người lao động đi làm thêm bên ngoài mà xảy ra tai nạn lao động thì chế độ bảo hiểm giải quyết như thế nào? 2. Trường công lập, chưa tự chủ như trường chúng tôi do khó khăn tài chính mà xây dựng đề án tiết giảm lao động như vậy thì có vi phạm các văn bản luật không? Trân trọng cảm ơn!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với nội dung yêu cầu tư vấn của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Chế độ tai nạn lao động

 

Tại Điều 45 Luật an toàn vệ sinh lao động 2015 quy định về điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động như sau:

 

Điều 45. Điều kiện hưởng chế độ tai nạn lao động

 

Người lao động tham gia bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp được hưởng chế độ tai nạn lao động khi có đủ các điều kiện sau đây:

 

1. Bị tai nạn thuộc một trong các trường hợp sau đây:

 

a) Tại nơi làm việc và trong giờ làm việc, kể cả khi đang thực hiện các nhu cầu sinh hoạt cần thiết tại nơi làm việc hoặc trong giờ làm việc mà Bộ luật lao động và nội quy của cơ sở sản xuất, kinh doanh cho phép, bao gồm nghỉ giải lao, ăn giữa ca, ăn bồi dưỡng hiện vật, làm vệ sinh kinh nguyệt, tắm rửa, cho con bú, đi vệ sinh;

 

b) Ngoài nơi làm việc hoặc ngoài giờ làm việc khi thực hiện công việc theo yêu cầu của người sử dụng lao động hoặc người được người sử dụng lao động ủy quyền bằng văn bản trực tiếp quản lý lao động;

 

c) Trên tuyến đường đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc từ nơi làm việc về nơi ở trong khoảng thời gian và tuyến đường hợp lý;

 

2. Suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên do bị tai nạn quy định tại khoản 1 Điều này;

 

3. Người lao động không được hưởng chế độ do Quỹ bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp chi trả nếu thuộc một trong các nguyên nhân quy định tại khoản 1 Điều 40 của Luật này.

 

Căn cứ quy định nêu trên và đối chiếu với trường hợp của bạn, trường hợp người lao động bị tai nạn khi thực hiện các công việc không nằm trong phạm vi công việc, ngoài nơi làm việc, ngoài giờ làm việc thì sẽ không được giải quyết chế độ tai nạn lao động. Trường hợp, đơn vị đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động thì người lao động được hưởng chế độ ốm đau.

 

Về đề án giảm thời giờ làm việc của người lao động khối hành chính, phục vụ

 

Hiện nay pháp luật lao động và pháp luật liên quan chưa có quy định cụ thể liên quan đến việc giảm thời giờ làm việc đối với người lao động làm việc các khối hành chính, phục vụ trong các đơn vị sự nghiệp công lập, do đó nếu đơn vị bạn không đảm bảo về vấn đề tài chính để chi trả chế độ cho người lao động thì đơn vị có thể thỏa thuận giảm thời giờ làm việc hoặc thỏa thuận để chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động.

 

>> Luật sư tư vấn thắc mắc về chế độ BH thai sản, gọi: 1900.6169

 

2. Người lao động có được giải quyết chế độ thai sản khi công ty trốn đóng bảo hiểm?

 

Câu hỏi:

Chào quý luật sư! Tôi xin nhờ tư vấn giúp. Công ty tôi mới thành lập, nhân sự chưa ổn định nên chưa tham gia bảo hiểm xã hội. Hợp đồng lao động từ tháng 01/2017 nhưng tháng 4 mới bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội cho toàn công ty. Hồ sơ đăng ký tháng 4 nhưng tháng 5 chuyển tiền. Công ty có trường hợp nghỉ thai sản từ tháng 10/2017. Nhưng BHXH không giải quyết lại nói là đóng đủ 6 tháng nhưng truy thu 1 tháng nên chưa giải quyết. Vậy là đúng hay sai. Khi đóng thì 1 cửa tiếp nhận hồ sơ bảo chế độ được hưởng bình thường. Nếu BHXH yêu cầu truy thu thì lại bắt ký cam kết không thanh toán ngắn hạn. Từ đầu không nói gì đến truy thu, giờ giải quyết chế độ lại nói vậy. Kính mong quý luật sư giải đáp giúp!

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

 

Căn cứ quy định tại Khoản 1 Điều 38 Quyết định 595/QĐ-BHXH quy định về các trường hợp truy thu BHXH bắt buộc, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN như sau:

 

1. Các trường hợp truy thu

 

1.1. Truy thu do trốn đóng: Trường hợp đơn vị trốn đóng, đóng không đủ số người thuộc diện bắt buộc tham gia, đóng không đủ số tiền phải đóng theo quy định, chiếm dụng tiền đóng BHXH, BHYT, BHTN, BHTNLĐ, BNN (sau đây gọi là trốn đóng) do cơ quan BHXH kết luận thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHYT, BHTN, cơ quan thanh tra nhà nước có thẩm quyền kết luận từ ngày 01/01/2016 thì ngoài việc truy thu số tiền phải đóng theo quy định, còn phải truy thu số tiền lãi tính trên số tiền, thời gian trốn đóng và mức lãi suất chậm đóng như sau:

 

a) Toàn bộ thời gian trốn đóng trước ngày 01/01/2016, được tính theo mức lãi suất chậm đóng áp dụng đối với năm 2016;

 

b) Đối với thời gian trốn đóng từ ngày 01/01/2016 trở đi, được tính theo mức lãi suất chậm đóng áp dụng đối với từng năm áp dụng tại thời điểm phát hiện trốn đóng.

 

1.2. Truy thu đối với người lao động sau khi chấm dứt HĐLĐ về nước truy đóng BHXH cho thời gian đi làm việc ở nước ngoài theo HĐLĐ chưa đóng: trường hợp sau 06 tháng kể từ ngày chấm dứt HĐLĐ về nước mới thực hiện truy đóng BHXH thì số tiền truy thu BHXH được tính bao gồm: số tiền phải đóng BHXH theo quy định và tiền lãi truy thu tính trên số tiền phải đóng.

 

1.3. Truy thu do điều chỉnh tăng tiền lương đã đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN cho người lao động: trường hợp sau 06 tháng kể từ ngày người có thẩm ký quyết định hoặc HĐLĐ (phụ lục HĐLĐ) nâng bậc lương, nâng ngạch lương, điều chỉnh tăng tiền lương, phụ cấp tháng đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN cho người lao động mới thực hiện truy đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN thì số tiền truy thu BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN được tính bao gồm: số tiền phải đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN theo quy định và tiền lãi truy thu tính trên số tiền phải đóng.

 

1.4. Các trường hợp khác theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

 

Theo thông tin bạn cho biết, công ty bạn ký hợp đồng lao động từ tháng 01/2017 nhưng đến tháng 04/2017 mới bắt đầu đóng bảo hiểm, trong trường hợp công ty của bạn không đóng bảo hiểm cho người lao động từ tháng 01/2017 đến hết 03/2017 thì coi là công ty trốn đóng bảo hiểm xã hội. Do đó, công ty sẽ bị truy thu tiền đóng bảo hiểm xã hội từ tháng 01/2017 đến hết tháng 03/2017. Số tiền công ty bạn phải đóng bao gồm: tiền phải đóng bảo hiểm xã hội và tiền lãi. Sau khi bảo hiểm thực hiện việc truy thu thì quá trình tham gia bảo hiểm xã hội của người lao động từ tháng 01/2017 đến hết tháng 03/2017 được công nhận là đã đóng.

 

Về chế độ thai sản của người lao động:

 

Tại khoản 2 Điều 31 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về điều kiện hưởng chế độ thai sản đối với lao động nữ sinh con như sau:

 

2. Người lao động quy định tại các điểm b, c và d khoản 1 Điều này phải đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con hoặc nhận nuôi con nuôi.

 

Như vậy, căn cứ theo quy định trên nếu lao động nữ của công ty bạn đã đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 06 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con thì đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản, cơ quan bảo hiểm xã hội có trách nhiệm giải quyết chế độ thai sản cho người lao động.

 

Do đó, việc cơ quan bảo hiểm xã hội không giải quyết chế độ thai sản cho người lao động với lý do đóng đủ 6 tháng nhưng truy thu 1 tháng nên chưa giải quyết là không phù hợp quy định pháp luật. Trong trường hợp này, công ty có thể gửi đơn khiếu nại đến cơ quan bảo hiểm xã hội để yêu cầu giải quyết, trường hợp không được giải quyết thì cơ quan bảo hiểm phải có văn bản trả lời và nêu rõ lý căn cứ không giải quyết chế độ cho người lao động.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo