Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Công an xã nghỉ việc được hưởng lương như thế nào?

Công an xã là một trong những lực lượng vũ trang gần gũi với người dân nhất, thường xuyên tiếp xúc và xử lý các vụ việc trên địa bàn xã để đảm bảo an ninh, trật tự xã hội. Vậy pháp luật quy định như thế nào về nhiệm vụ, quyền hạn của công an xã? Công an xã được hưởng các chế độ, chính sách gì? Luật Minh Gia tư vấn các vấn đề này như sau:

1. Luật sư tư vấn về công an xã

Công an xã là lực lượng vũ trang bán chuyên trách, thuộc hệ thống tổ chức của Công an nhân dân dể đảm bảo an ninh, trật tự xã hội trên địa bàn xã. Công an xã có nhiệm vụ làm nòng cốt xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc; tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật về an ninh, trật tự, an toàn xã hội; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện quy định của pháp luật trên địa bàn xã theo thẩm quyền; tham mưu cho cấp uỷ và chính quyền địa phương đề ra kế hoạch, biện pháp cụ thể nhằm giải quyết các vấn đề về an ninh, trật tự; bảo vệ Đảng, chính quyền, tài sản của Nhà nước, bảo vệ tính mạng, tài sản và quyền lợi hợp pháp của nhân dân. Theo đó, công an xã được tham gia bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y và được hưởng các chế độ, chính sách khác theo quy định pháp luật.

Trong trường hợp bạn có vướng mắc liên quan đến chế độ, chính sách đối với công an xã thì bạn có thể gửi câu hỏi đến Luật Minh Gia hoặc gọi Hotline1900.6169 để được chúng tôi hỗ trợ.

Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. 

2. Công an xã nghỉ việc được hưởng lương như thế nào?

Câu hỏi: Xin chào luật sư! Em làm công an xã được khoảng 2 tuần thì do áp lực công việc và sức khỏe nên viết giấy xin nghỉ việc và em cũng đã nghỉ luôn. Em vô ngày 9 tháng 1, và đến ngày 25 tháng 1 em nghỉ. Lương thì chuyển hàng tháng vào ngày 10 tây. Mới ngày 5 tháng 2 em nhận được tin nhắn tài khoản có lương tháng 1 +2. Hôm nay ngày 8 tháng 2 thì bên công an xã đòi thể atm của em để trả lại tiền cho ủy ban. Em xin luật sư cho biết trường hợp của em có lãnh được lương tháng 1 không ạ. Em cảm ơn!

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với nội dung yêu cầu tư vấn của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Căn cứ theo quy định tại Pháp lệnh công an xã năm 2008 về chế độ tiền lương và phụ cấp đối với Công an xã như sau:

Điều 18. Tiền lương và phụ cấp đối với Công an xã

1. Trưởng Công an xã được hưởng lương và phụ cấp theo quy định của pháp luật.

2. Phó trưởng Công an xã và Công an viên được hưởng phụ cấp hàng tháng. Chính phủ quy định khung mức phụ cấp đối với Phó trưởng Công an xã và Công an viên. Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh căn cứ vào quy định của Chính phủ và thực tế ở địa phương trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định phụ cấp cụ thể.

Điều 19. Chế độ, chính sách đối với Công an xã

1. Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên thực hiện bảo hiểm xã hội và bảo hiểm y tế theo quy định của pháp luật.

2. Trưởng Công an xã có thời gian công tác liên tục từ đủ 60 tháng trở lên được hưởng phụ cấp thâm niên; có thời gian công tác liên tục từ đủ 15 năm trở lên nếu nghỉ việc vì lý do chính đáng mà chưa đủ điều kiện nghỉ hưu thì được hưởng trợ cấp một lần.

3. Phó trưởng Công an xã và Công an viên có thời gian công tác liên tục từ đủ 15 năm trở lên nếu nghỉ việc vì lý do chính đáng thì được hưởng trợ cấp một lần.

4. Phó trưởng Công an xã và Công an viên khi được cử đi tập trung đào tạo, huấn luyện, bồi dưỡng chính trị, pháp luật, nghiệp vụ được hưởng chế độ bồi dưỡng bằng mức tiền ăn cơ bản của chiến sĩ phục vụ có thời hạn trong Công an nhân dân; khi đi công tác được hưởng chế độ công tác phí.

5. Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên khi làm nhiệm vụ thường trực sẵn sàng chiến đấu tại những nơi thuộc địa bàn trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự được hưởng chế độ theo quy định.

6. Trưởng Công an xã, Phó trưởng Công an xã và Công an viên trong khi thi hành nhiệm vụ nếu bị thương hoặc hy sinh thì được hưởng các chế độ, chính sách theo quy định của pháp luật về ưu đãi người có công với cách mạng; Phó trưởng Công an xã, Công an viên trong thời gian công tác nếu ốm đau được khám, chữa bệnh tại các cơ sở y tế và được xem xét hỗ trợ tiền khám, chữa bệnh từ nguồn ngân sách địa phương.

Chính phủ quy định cụ thể Điều này.

Như vậy, theo quy định nêu trên thì khi bạn làm việc từ ngày 09 tháng 01 đến hết ngày 25 tháng 01/2019 thì bạn vẫn được hưởng phụ cấp, tuy nhiên bạn chỉ nhận được phụ cấp tương ứng những ngày bạn đã làm việc. Trường hợp, đơn vị đã chi trả phụ cấp bao gồm cả tháng 1,2 thì bạn phải có trách nhiệm hoàn lại khoản tiền tương ứng với thời gian bạn không làm việc.

-------------------

Câu hỏi thứ 2 - Trưởng Ban công tác mặt trận ấp được hưởng phụ cấp hàng tháng như thế nào?

Kính gửi Công ty Luật Minh Gia! Giúp em trường hợp này với ạ: Cha em sinh năm 1952, từ năm 1980 đến năm 1982 làm thư ký cho Văn phòng Ấp, từ năm 1982 đến năm 1999 làm Công an Ấp. Do mới giải phóng nên thời gian đó Cha em tham gia phục vụ cho đất nước mà không được hưởng lương. Và nghỉ về nhà phụ gia đình từ năm 2000 đến 2015.      Tháng 01/01/2016 Cha em phục vụ tiếp cho Ấp với chức danh Trưởng Ban mặt trận Ấp với mức lương từ 01/01/2016 đến 31/12/2016 là 920.000VNĐ, từ 01/01/2017 đến nay là 960.000VNĐ. Cho em hỏi: 1/Cha em phục vụ 18 năm trước đó có được hưởng chế độ BHXH không? (Phục vụ 18 năm đến lúc nghỉ chưa nhận được tiền gì cả); 2/Mức lương hiện tại cha em hưởng theo quyết định chức danh Trưởng Ban Mặt trận Ấp vậy đúng theo quy định của Nhà nước mình không? và sau nhiệm kỳ 5 năm Cha em nghỉ có được chế độ BHXH không? Xin trận trọng cảm ơn và mong sớm được giúp đỡ của quý công ty và Quý Luật sư!

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã tin tưởng gửi yêu cầu tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia. Với trường hợp của bạn, chúng tôi tư vấn như sau:

Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Nghị định 43-CP ngày 22 tháng 6 năm 1993 của Chính phủ quy định tạm thời chế độ bảo hiểm xã hội có quy định như sau:

“1. Hình thức bắt buộc áp dụng tất cả 5 chế độ đối với:

- Công nhân, viên chức thuộc khu vực hành chính, sự nghiệp, lực lượng vũ trang, các tổ chức Đảng, Đoàn thể;

- Người lao động làm việc hưởng lương hoặc tiền công ở những doanh nghiệp có sử dụng từ 10 lao động trở lên;

- Người lao động làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp của nước ngoài và trong các tổ chức khác của nước ngoài tại Việt Nam;

- Người lao động Việt Nam làm việc trong khu chế xuất, khu kinh tế đặc biệt.”.

Tại phần A Thông tư liên bộ 21-LB/TT hướng dẫn cụ thể về đối tượng bắt buộc áp dụng đủ 5 chế độ bảo hiểm xã hội quy định tại điểm 1, Điều 2 Nghị định số 43-CP ngày 22-6-1993 của Chính phủ bao gồm:

I- CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC HÀNH CHÍNH SỰ NGHIỆP

1- Cán bộ giữ chức vụ dân cử, bầu cử trong các cơ quan quản lý Nhà nước, Đảng, đoàn thể từ Trung ương đến cấp huyện;

2- Công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan quản lý Nhà nước, các tổ chức sự nghiệp của Nhà nước từ Trung ương đến cấp huyện;

3- Cán bộ, công nhân, viên chức trong cơ quan Đảng, đoàn thể, các Hội từ Trung ương đến cấp huyện;

4- Công chức, viên chức Nhà nước biệt phái làm việc ở xã, phường, ở các Hội, các dự án, các tổ chức quốc tế đặt tại Việt Nam.

II- CÔNG NHÂN, VIÊN CHỨC TRONG CÁC DOANH NGHIỆP VÀ NGƯỜI LAO ĐỘNG TRONG CÁC TỔ CHỨC KHÁC

1- Công nhân, viên chức làm việc trong các doanh nghiệp Nhà nước kể cả các tổ chức kinh doanh, dịch vụ thuộc cơ quan, đơn vị hành chính, sự nghiệp, lực lượng vũ trang, Đảng, đoàn thể, các Hội;

2- Công nhân, viên chức làm việc trong các đơn vị sự nghiệp kinh tế;

3- Người lao động làm việc hưởng tiền lương hoặc tiền công ở những đơn vị sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh có sử dụng từ 10 lao động trở lên;

4- Người lao động Việt Nam làm việc trong khu chế xuất, khu kinh tế đặc biệt, tổ chức liên doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, cơ quan ngoại giao, đại diện tổ chức quốc tế và tổ chức khác của người nước ngoài tại Việt Nam.

Các đối tượng quy định trong phần A này bao gồm cả những người được cử đi học, thực tập, công tác, điều dưỡng trong và ngoài nước v.v...

Bên cạnh đó, tại Điều 3 Nghị định 12-CP ngày 26 tháng 1 năm 1995 (văn bản có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/1995) về việc Ban hành điều lệ bảo hiểm xã hội quy định:

Điều 3.- Các đối tượng sau đây phải áp dụng các chế độ bảo hiểm xã hội quy định tại Điều lệ này:

Người lao động làm việc trong các doanh nghiệp nhà nước;

Người lao động làm việc trong các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh có sử dụng từ 10 lao động trở lên;

Người lao động Việt Nam làm việc trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, khu chế xuất, khu công nghiệp; trong các cơ quan, tổ chức nước ngoài hoặc tổ chức quốc tế tại Việt Nam, trừ trường hợp Điều ước quốc tế mà Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký kết hoặc tham gia có quy định khác;

Người lao động làm việc trong các tổ chức kinh doanh dịch vụ thuộc cơ quan hành chính, sự nghiệp, cơ quan Đảng, đoàn thể;

Người lao động làm việc trong các doanh nghiệp, các tổ chức dịch vụ thuộc lực lượng vũ trang;

Người giữ chức vụ dân cử, bầu cử làm việc trong các cơ quan quản lý nhà nước, Đảng, đoàn thể từ Trung ương đến cấp huyện;

Công chức, viên chức Nhà nước làm việc trong các cơ quan hành chính sự nghiệp; người làm việc trong các cơ quan Đảng, đoàn thể từ Trung ương đến cấp huyện;

Các đối tượng trên đi học, thực tập, công tác điều dưỡng trong và ngoài nước mà vẫn hưởng tiền lương hoặc tiền công thì cũng thuộc đối tượng thực hiện bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Các đối tượng quy định trên gọi chung là người lao động.

Theo thông tin bạn cung cấp thì từ năm 1980 đến năm 1982 ba bạn làm thư ký cho Văn phòng Ấp, từ năm 1982 đến năm 1999 làm công an Ấp. Đối chiếu các khoảng thời gian với các quy định nêu trên thì trường hợp của ba bạn không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc.

Tuy nhiên, tại Điều 23 Nghị định 115/2015/NĐ-CP có quy định về việc tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội như sau:

“Điều 23. Tính thời gian công tác trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 để hưởng bảo hiểm xã hội

1. Người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 mà được tính là thời gian công tác liên tục nhưng chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, bảo hiểm xã hội một lần thì thời gian đó được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Cụ thể:

a) Người lao động làm việc trong khu vực nhà nước liên tục công tác đến ngày 01 tháng 01 năm 1995 mà chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, bảo hiểm xã hội một lần thì thời gian làm việc trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 đó được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội;

…”.

Căn cứ theo quy định nêu trên thì người lao động làm việc trong khu vực nhà nước liên tục công tác đến ngày 01 tháng 01 năm 1995 mà chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, bảo hiểm xã hội một lần thì thời gian làm việc trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 đó được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.

Theo đó, với trường hợp của ba bạn thì thời gian làm công an ấp trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 nếu chưa được giải quyết chế độ trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, bảo hiểm xã hội một lần thì thời gian làm việc trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.

Từ những phân tích nêu trên, đối với khoảng thời gian ba bạn làm việc trước ngày 01 tháng 01 năm 1995 được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. Đối với khoảng thời gian từ ngày 01 tháng 01 năm 1995 đến năm 1999, do ba bạn không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc nên thời gian này không được coi là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.

Về tiền lương ba bạn được hưởng thì căn cứ theo quy định tại  Khoản 6 Điều 2 Nghị định 34/2019/NĐ-CP bổ sung Điều 14a Nghị định 92/2009/NĐ-CP như sau:

“1. Người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố có không quá 03 người được hưởng phụ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước và chỉ áp dụng đối với các chức danh: Bí thư Chi bộ; Trưởng thôn hoặc Tổ trưởng tổ dân phố; Trưởng Ban công tác mặt trận. Người tham gia công việc ở thôn, tổ dân phố ngoài 03 chức danh nêu trên không hưởng phụ cấp hàng tháng mà được hưởng bồi dưỡng khi trực tiếp tham gia vào công việc của thôn, tổ dân phố từ đoàn phí, hội phí khoán cho các đoàn thể và từ các nguồn quỹ khác (nếu có).

2. Chế độ, chính sách đối với người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố

Ngân sách nhà nước thực hiện khoán quỹ phụ cấp bằng 3,0 lần mức lương cơ sở để chi trả hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở mỗi thôn, tổ dân phố. Riêng đối với thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên, thôn thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; thôn thuộc xã biên giới hoặc hải đảo được khoán quỹ phụ cấp bằng 5,0 lần mức lương cơ sở.”.

Như vậy, căn cứ quy định nêu trên thì nếu ba bạn là Trưởng ban công tác mặt trận thì ba bạn sẽ được hưởng phụ cấp hàng tháng từ ngân sách nhà nước. Ngân sách nhà nước thực hiện khoán quỹ phụ cấp bằng 3,0 lần mức lương cơ sở để chi trả hàng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở mỗi thôn, tổ dân phố. Riêng đối với thôn có từ 350 hộ gia đình trở lên, thôn thuộc xã trọng điểm, phức tạp về an ninh, trật tự theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền; thôn thuộc xã biên giới hoặc hải đảo được khoán quỹ phụ cấp bằng 5,0 lần mức lương cơ sở. Do đó, ba bạn giữ chức danh Trưởng Ban công tác mặt trận thì mức phụ cấp của bạn là được phân chia theo quỹ trên.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

0971.166.169