Nguyễn Văn Cảnh

Có được đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để hưởng lương hưu không?

Luật sư tư vấn các trường hợp người lao động chưa đóng đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội khi đã đến tuổi nghỉ hưu. Nội dung tư vấn như sau:

Nội dung câu hỏi:

 

Xin chào luật sư! Vui lòng giải đáp thắc mắc về bảo hiểm xã hội! Tôi hiện 36 tuổi, đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc từ 09/2009 đến 03/2016 (6 năm 7 tháng) sau đó tôi nghỉ việc và làm kinh tế gia đình (gián đoạn bảo hiểm xã hội 3 năm 6 tháng). Tôi có 3 phương án đối với bảo hiểm xã hội của mình nhưng không biết có được không?

 

1. Tôi rút tiền trong sổ và nghỉ đóng luôn nhưng không biết sau 3 năm 6 tháng ngưng đóng thì có được hưởng 1 lần không? Nếu không được thì có cách nào giải quyết không?

 

 2. Đến năm 51 tuổi (gián đoạn bảo hiểm xã hội khoảng 18 năm 6 tháng) tôi đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện trong 10 năm đến khi đủ 60 tuổi (tổng được 16 năm 7 tháng) rồi đóng 1 lần 3 năm 5 tháng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu với mức 45%.

 

3. Đến năm 56 tuổi (gián đoạn bảo hiểm xã hội khoảng 23 năm 6 tháng) tôi đóng tiếp bảo hiểm xã hội tự nguyện trong 5 năm đến khi đủ 60 tuổi (tổng được 11 năm 7 tháng) rồi đóng 1 lần 8 năm 5 tháng bảo hiểm xã hội tự nguyện cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu với mức 45%.

 

Với phương án 2 và 3 thì thời gian gián đoạn lâu trên dưới 20 năm như vậy tôi có được đóng như mô tả để sau 60 tuổi hưởng lương hưu với mức 45% không? Thời gian gián đoạn tối đa cho phép để được rút tiền bảo hiểm xã hội 1 lần hoặc đóng tiếp bảo hiểm xã hội là bao nhiêu năm? Mong luật sư giải đáp!Xin chân thành cảm ơn!

 

Trả lời: Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi cần tư vấn tới Công ty Luật Minh Gia, với thắc mắc của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

 

Đối câu hỏi của bạn, chúng tôi xin tư vấn cho bạn theo các trường hợp mà bạn đã đưa ra theo quy định của pháp luật.

 

Trường hợp thứ nhất, bạn muốn rút bảo hiểm xã hội một lần và không tiếp tục tham gia bảo hiểm. Theo quy định tại khoản 1 Điều 8 nghị định 115/2015/NĐ-CP có quy định về điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần như sau:

 

“1. Người lao động quy định tại Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 của Nghị định này mà có yêu cầu thì được hưởng bảo hiểm xã hội một lần nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây: 

 

a) Đủ tuổi hưởng lương hưu theo quy định tại các Khoản 1, 2 và 4 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội hoặc theo quy định tại Khoản 3 Điều 54 của Luật Bảo hiểm xã hội mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện; 

 

b) Sau một năm nghỉ việc mà chưa đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội và không tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội; 

 

c) Ra nước ngoài để định cư; 

 

d) Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như ung thư, bại liệt, xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế; 

 

Như vậy, nếu bạn thuộc một trong các trường hợp sau bạn có thể được rút bảo hiểm xã hội một lần, theo thông tin bạn cung cấp bạn có đóng bảo hiểm xã hội và đã nghỉ việc 3 năm 6 tháng nên bạn thuộc trường hợp được thực hiện thủ tục hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Pháp luật hiện nay không quy định về thời gian tối đa cho phép rút bảo hiểm xã hội một lần nên trường hợp của bạn có thể thực hiện thủ tục để rút bảo hiểm xã hội một lần.

 

Về mức hưởng bảo hiểm xã hội được tính theo số năm đã đóng bảo hiểm xã hội, mỗi năm được tính như sau:

 

“a) 1,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng trước năm 2014; 

 

b) 02 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội cho những năm đóng từ năm 2014 trở đi;”

 

Căn cứ vào thời gian tham gia bảo hiểm xã hội thực tế của bạn, bạn có thể tính số tháng bảo hiểm bạn có thể được hưởng. Khi tính mức hưởng bảo hiểm xã hội một lần trong trường hợp thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì từ 01 tháng đến 06 tháng được tính là nửa năm, từ 07 tháng đến 11 tháng được tính là một năm.Trường hợp tính đến trước ngày 01 tháng 01 năm 2014 nếu thời gian đóng bảo hiểm xã hội có tháng lẻ thì những tháng lẻ đó được chuyển sang giai đoạn đóng bảo hiểm xã hội từ ngày 01 tháng 01 năm 2014 trở đi để làm căn cứ tính hưởng bảo hiểm xã hội một lần.

 

Thứ hai, Về trường hợp ( trường hợp 2 và ba bạn nêu trên) bạn tiếp tục đóng bảo hiểm xã hội sau thời gian ngắt quãng và đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để được hưởng lương hưu. Theo quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật bảo hiểm xã hội 2014 quy định về thời gian đóng bảo hiểm xã hội:

 

Thời gian đóng bảo hiểm xã hội là thời gian được tính từ khi người lao động bắt đầu đóng bảo hiểm xã hội cho đến khi dừng đóng. Trường hợp người lao động đóng bảo hiểm xã hội không liên tục thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội là tổng thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội.” 

 

Theo đó, Nếu bạn đóng không liên tục thì thời gian đóng bảo hiểm xã hội là tổng thời gian đã đóng. Trường hợp bạn không thuộc đối tượng tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thì bạn có thể lựa chọn tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo phương án 2, 3 để giải quyết chế độ hưu trí về sau theo quy định tại Điều 9 Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định về phương thức đóng bảo hiểm xã hội như sau:

 

1. Người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được chọn một trong các phương thức đóng sau đây để đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất:

 

a) Đóng hằng tháng;

 

b) Đóng 03 tháng một lần;

 

c) Đóng 06 tháng một lần;

 

d) Đóng 12 tháng một lần;

 

đ) Đóng một lần cho nhiều năm về sau nhưng không quá 5 năm một lần;

 

e) Đóng một lần cho những năm còn thiếu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội đã đủ điều kiện về tuổi để hưởng lương hưu theo quy định nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội còn thiếu không quá 10 năm (120 tháng) thì được đóng cho đủ 20 năm để hưởng lương hưu.

 

Như vậy, đến tuổi nghỉ hưu, bạn có thể đóng một lần cho những năm còn thiếu để có thể được hưởng lương hưu. Đối với hai phương án mà bạn đưa ra đều khả thi và có thể thực hiện đóng một lần theo quy định của pháp luật.

 

Về mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để được hưởng chế độ hưu trí, Điều 10 Nghị định 134/2015/NĐ-CP quy định như sau:

 

Mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện theo Khoản 1 Điều 87 của Luật Bảo hiểm xã hội và theo phương thức đóng tại Khoản 1 Điều 9 Nghị định này được quy định như sau:

 

1. Mức đóng hằng tháng bằng 22% mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn.

 

Mức thu nhập tháng do người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện lựa chọn thấp nhất bằng mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn theo quy định của Thủ tướng Chính phủ và cao nhất bằng 20 ln mức lương cơ sở tại thời điểm đóng.

 

2. Mức đóng 03 tháng hoặc 06 tháng hoặc 12 tháng một lần được xác định bằng mức đóng hàng tháng theo quy định tại Khoản 1 Điều này nhân với 3 đối với phương thức đóng 03 tháng; nhân với 6 đối với phương thức đóng 06 tháng; nhân với 12 đối với phương thức đóng 12 tháng một lần.

 

3. Mức đóng một lần cho nhiều năm về sau theo quy định tại Điểm đ Khoản 1 Điều 9 Nghị định này được tính bằng tổng mức đóng của các tháng đóng trước, chiết khấu theo lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân tháng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng.

 

4. Mức đóng một lần cho những năm còn thiếu theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 9 Nghị định này được tính bằng tổng mức đóng của các tháng còn thiếu, áp dụng lãi gộp bằng lãi suất đầu tư quỹ bảo hiểm xã hội bình quân tháng do Bảo hiểm xã hội Việt Nam công bố của năm trước liền kề với năm đóng.

 

5. Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã đóng theo phương thức đóng 03 tháng hoặc 06 tháng hoặc 12 tháng một lần hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau theo quy định tại Khoản 2 và 3 Điều này mà trong thời gian đó Thủ tưng Chính phủ điều chỉnh mức chuẩn hộ nghèo của khu vực nông thôn thì không phải điều chỉnh mức chênh lệch số tiền đã đóng.

 

6. Trường hợp người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện đã đóng theo phương thức đóng 03 tháng hoặc 06 tháng hoặc 12 tháng một lần hoặc đóng một lần cho nhiều năm về sau theo quy định tại các Điểm b, c, d và đ Khoản 1 Điều 9 Nghị định này mà trong thời gian đó thuộc một trong các trường hợp sau đây sẽ được hoàn trả một phần số tiền đã đóng trước đó:

 

a) Dừng tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và chuyển sang tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc;

 

b) Hưởng bảo hiểm xã hội một lần theo quy định tại Điều 7 Nghị định này;

 

c) Bị chết hoặc Tòa án tuyên bố là đã chết.

 

Số tiền hoàn trả cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện trong trường hợp quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này hoặc hoàn trả cho thân nhân người lao động trong trường hợp quy định tại Điểm c Khoản này được tính bằng số tiền đã đóng tương ứng với thời gian còn lại so với thời gian đóng theo phương thức đóng nêu trên và không bao gồm tiền hỗ trợ đóng của Nhà nước (nếu có).

 

Như vậy, bạn cần có tính toán, cân nhắc về khả năng tham gia và lợi ích mà mình được nhận để lựa chọn một trong ba phương án mà bạn đưa ra vì cả ba phương án đề phù hợp với quy định của pháp luật và có thể thực hiện được.

 

 

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo