Trần Anh

Chấm dứt hợp đồng lao động đúng quy định pháp luật nhưng công ty không trả lương đầy đủ và đúng thời hạn

Chấm dứt hợp đồng lao động đúng quy định pháp luật nhưng công ty không trả lương đầy đủ và đúng thời hạn. Người lao động sau khi chấm dứt hợp đồng lao động và thỏa thuận không thành với công ty về tiền lương lại vi phạm cam kết bảo mật thông tin vẫn còn hiệu lực với công ty nên công ty vẫn không trả lương dù đã quá 30 ngày kể từ thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động. Nội dung tư vấn:

Câu hỏi tư vấn: Kính gửi Công ty luật Minh Gia. Tôi xin phép hỏi quý công ty 1 câu hỏi liên quan đến luật lao động như sau:     

- Tôi công tác tại công ty A (xin phép gọi như thế) từ ngày 09/04/2019 đến hết ngày 31/08/2019 và đã bàn giao đầy đủ giấy tờ, được chấp thuận cho thôi việc hợp pháp, có chữ ký của người trực tiếp quản lý. Về phía công ty có hẹn xác định ngày lấy lương là từ khoảng ngày 10 đến 20/09/2019. Tuy nhiên, phía công ty không hề có động thái nào liên quan đến hẹn tôi lên lấy lương.          

- Vào hồi 10h00 đến 17h00 ngày 14/09/2019 tôi có chủ động lên công ty để tất toán tiền lương, và ký thanh lý hợp đồng lao động (không có sự hẹn trước từ 2 bên). Nhưng trong ngày hôm đó, giữa tôi và phía công ty A không đi đến được thống nhất. Sau đó, do quá bức xúc về cơ chế lương thưởng tại công ty đã vi phạm chậm lương, thiếu lương, sai lương nhiều lần (có ảnh email tôi chụp lại), kèm theo chất lượng giáo dục các con không như cam kết với phụ huynh nên tôi rất bức xúc và vào hồi 17h00 ngày 14/09/2019 tôi có đăng tải 1 số thông tin về công ty trên mạng xã hội. Sau đó, công ty có dọa báo công an vì tôi làm mất hình ảnh của họ.        

- Sau hôm đó phía công ty không hề có động thái gì liên quan đến thanh toán lương. Nên tôi có gửi 1 email để yêu cầu thanh toán. Công ty và tôi có 1 cuộc hẹn lúc 09h00 đến 17h00 ngày 28/09/2019 vừa qua. Công ty có báo là đã bị phía phụ huynh yêu cầu rút phí vì bài đăng của tôi. Khi tôi yêu cầu đưa ra bằng chứng thì công ty không làm được. Vì phía công ty vì muốn giữ hình ảnh của mình nên yêu cầu tôi viết 1 biên bản tường trình sự việc ngày 14/09/2019, 1 email xin lỗi công ty xin lỗi khách hàng và 1 bản cam kết sẽ không nói xấu công ty. Trước đó, ngày 22/04/2019 tôi có ký 1 biên bản bảo mật thông tin có giá trị 2 năm, nên công ty vịn vào cớ đó để ép tôi làm những điều trên. Nên tôi không chấp thuận. Và phía công ty cũng chưa có động thái nào muốn thanh lý hợp đồng cho tôi. Tính đến nay đã là 30 ngày kể từ khi tôi thôi việc. Không những riêng tôi mà rất nhiều nhân sự cũ cũng bị tương tự.       

Nên tôi xin phép hỏi, trong trường hợp của tôi, công ty có quyền không trả lương vì lý do trên không??? Note: Trong quá trình làm việc tại công ty tôi không hề có bất cứ sai phạm nào hết. Tôi xin trân thành cảm ơn.

 

Trả lời tư vấn: Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đến Công ty Luật Minh Gia. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin tư vấn như sau:

 

Về trách nhiệm trả lương từ phía công ty:

 

Căn cứ theo Khoản 3 Điều 36 Bộ luật Lao động 2012 quy định các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động:

 

“3. Hai bên thoả thuận chấm dứt hợp đồng lao động”.

 

Theo đó, việc chấm dứt hợp đồng lao động của anh là hợp pháp vì anh đã được công ty đồng ý. Công ty anh phải có trách nhiệm thanh toán đầy đủ và đúng hạn tiền lương như đã giao kết với anh theo Điều 24 Nghị định 05/2015/NĐ-CP quy định về nguyên tắc trả lương:

 

“1. Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn.”

 

Như vậy, khi anh chấm dứt hợp đồng lao động tại công ty thì công ty vẫn phải thanh toán đúng hạn, đầy đủ tiền lương cũng như các khoản có liên quan đến quyền lợi mà anh được hưởng.

 

Về thời hạn trả lương khi chấm dứt hợp đồng lao động:

 

Theo Điều 14a Nghị định 148/2018/NĐ-CP quy định thời hạn thanh toán quyền lợi của người sử dụng lao động và người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động:

 

“Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động và người lao động có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên. Trường hợp đặc biệt, thời hạn thanh toán có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, thuộc một trong các trường hợp sau:

 

1. Người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động;

 

2. Người sử dụng lao động hoặc người lao động gặp thiên tai, hỏa hoạn, địch họa hoặc dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm;

 

3. Người sử dụng lao động thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc lý do kinh tế theo Điều 44 của Bộ luật lao động hoặc sáp nhập, hợp nhất, chia, tách doanh nghiệp, hợp tác xã, chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản theo Điều 45 của Bộ luật lao động.”

 

Theo đó khi chấm dứt hợp đồng lao động trong thời hạn 7 ngày, hai bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên. Trong trường hợp đặc biệt có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày. Nếu công ty anh không thuộc vào trường hợp đặc biệt thì phải hoàn tất thanh toán lương cho anh trong 7 ngày hoặc theo thỏa thuận giữa đôi bên. Nếu đã quá 30 ngày mà phía công ty vẫn từ chối thanh toán tiền lương, anh có thể yêu cầu công đoàn cơ sở, hòa giải viên lao động giải quyết vấn đề này để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình. Nếu 2 bên thương lượng hoặc hòa giải không thành, anh có thể khởi kiện để yêu cầu Tòa án để giải quyết.

 

Về hành vi vi phạm cam kết bảo mật thông tin:

 

Tại Khoản 2 Điều 23 Bộ luật Lao động 2012 có quy định về nội dung hợp đồng lao động như sau:

 

“2. Khi người lao động làm việc có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật, thì người sử dụng lao động có quyền thỏa thuận bằng văn bản với người lao động về nội dung, thời hạn bảo vệ bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ, quyền lợi và việc bồi thường trong trường hợp người lao động vi phạm”

 

Như vậy trong trường hợp công việc anh làm là công việc liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ theo quy định của pháp luật thì công ty có quyền yêu cầu anh ký cam kết bảo mật thông tin. Văn bản này do các bên tự nguyện ký kết, nội dung không vi phạm điều cấm của pháp luật, không vi phạm đạo đức xã hội thì hoàn toàn hợp pháp mà không cần phải công chứng hoặc chứng thực. Theo đó, khi một bên vi phạm nghĩa vụ, bên kia sẽ có quyền yêu cầu bên vi phạm thực hiện nghĩa vụ, bồi thường hoặc có thể kiện ra Tòa án nếu cần. Tại đây sẽ có 2 trường hợp xảy ra, đó là:

 

Thứ nhất, nếu công việc của anh có liên quan trực tiếp đến bí mật kinh doanh, bí mật công nghệ hoặc công ty chứng minh được công việc anh làm là có liên quan thì anh phải thực hiện đúng theo nghĩa vụ mà 2 bên đã cam kết.

 

Thứ hai, nếu doanh nghiệp không chứng minh được công việc anh làm liên quan trực tiếp đến bí mật công nghệ, bí mật kinh doanh theo quy định của pháp luật sở hữu trí tuệ thì cam kết bảo mật thông tin với công ty sẽ vô hiệu.

 

Ngoài ra, nếu hành vi loan truyền thông tin của anh là sai sự thật, gây ảnh hưởng đến uy tín, lợi ích của công ty thì công ty có quyền yêu cầu anh chấm dứt hành vi đồng thời xin lỗi, cải chính thông tin, bồi thường thiệt hại nếu có. Tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, anh có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

 

Tuy nhiên công ty anh vẫn phải có trách nhiệm trả lương cho anh đầy đủ và đúng hạn theo quy định của pháp luật.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo