Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Hình thức trả lương theo quy định luật lao động

Hình thức trả lương là gì? quy định về hình thức trả lương thế nào luôn là câu hỏi được nhiều người lao động và người sử dụng lao động quan tâm. Qua bài viết này Luật Minh Gia tư vấn, hướng dẫn cụ thể về hợp đồng lao động như sau:

Câu hỏi:

Kính gửi luật sư! Hiện tại đang là công nhân của một công ty, em có một thắc mắc rất mong luật sư giải đáp giúp em ạ. Vấn đề của em như sau:Cty em đang làm việc, tính lương theo giờ làm (tuần 48h, tháng 208h nếu tháng đó có 4 ngày chủ nhật và k có ngày thứ 31 hoặc có nhưng ngày 31 rơi vào ngày chủ nhật, trường hợp ngày 31 là ngày thứ thì tháng đó sẻ lấy 216h làm chuẩn, ngược lại nếu tháng có 28 ngày và 4 chủ nhật thì giờ làm cũng giảm theo.). Câu hỏi của em ở đây là tháng 04-2017 này có 5 chủ nhật và ngày lễ 30-04 lại trùng vào ngày chủ nhật, như thông thường thì tháng 04 này sẻ chỉ lấy 184h làm việc (1 ngày giổ tổ, 1 ngày 30-04 và cộng thêm một ngày chủ nhật thứ 5), nhưng bây giờ cty nói là "lấy 192h làm vì ngày lễ 30-04 trùng ngày chủ nhật". Xin hỏi luật sư cty làm vậy là đúng hay sai, mong luật sư giải đáp giúp em ạ. Em xin chân thành cảm ơn luật sư!

Trả lời:

Cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, Đối với yêu cầu hỗ trợ của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Bộ luật lao động quy định về hình thức trả lương theo hợp đồng lao động như sau: 

"Hình thức trả lương

1. Người sử dụng lao động có quyền lựa chọn hình thức trả lương theo thời gian, sản phẩm hoặc khoán. Hình thức trả lương đã chọn phải được duy trì trong một thời gian nhất định; trường hợp thay đổi hình thức trả lương, thì người sử dụng lao động phải thông báo cho người lao động biết trước ít nhất 10 ngày.

2. Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng. Trường hợp trả qua tài khoản ngân hàng, thì người sử dụng lao động phải thỏa thuận với người lao động về các loại phí liên quan đến việc mở, duy trì tài khoản.

>> Tư vấn quy định về hình thức trả lương, gọi: 1900.6169

Kỳ hạn trả lương

1. Người lao động hưởng lương giờ, ngày, tuần thì được trả lương sau giờ, ngày, tuần làm việc hoặc được trả gộp do hai bên thoả thuận, nhưng ít nhất 15 ngày phải được trả gộp một lần.

2. Người lao động hưởng lương tháng được trả lương tháng một lần hoặc nửa tháng một lần.

3. Người lao động hưởng lương theo sản phẩm, theo khoán được trả lương theo thoả thuận của hai bên; nếu công việc phải làm trong nhiều tháng thì hằng tháng được tạm ứng tiền lương theo khối lượng công việc đã làm trong tháng."

Tùy thuộc vào việc công ty a/c lựa chọn hình thức trả lương theo thời gian (tháng/tuần/ngày/giờ làm việc) hay hình thức trả lương theo sản phẩm, lương khoán sẽ có cách để xác định thời giờ làm việc bình thường trong tháng khác nhau. 

Trường hợp công ty a/c lựa chọn hình thức trả lương theo tháng, thì người lao động chỉ cần làm việc đủ số ngày làm việc được xác định trong tháng dương lịch thì sẽ được thanh toán đủ mức lương đã thỏa thuận. Mà không bị ảnh hưởng do số ngày trong tháng là 31/30/28 ngày. 

Trường hợp công ty lựa chọn hình thức trả lương theo giờ và xác định 192h/tháng là số giờ làm việc cố định cho 1 kỳ trả lương. Thì người lao động sẽ phải làm việc đủ sổ giờ nói trên (bao gồm cả số giờ làm việc trùng với ngày nghỉ hưởng nguyên lương) thì sẽ được thanh toán đủ lương theo thỏa thuận.

---

Câu hỏi thứ 2 - Công ty chậm thanh toán tiền lương cho người lao động bị xử lý thế nào?

Tôi làm kế toán cho công ty A 1/6/2013 đến 31/12/2015. Nhưng đến nay công ty vẫn còn nợ tôi 14 tháng tiền lương (từ 11/2014 - 31/12/2015). Đầu tháng 1/2016 công ty A hoàn thành thủ tục pháp lý chuyển nhượng 100% vốn cổ phần cho công ty đầu tư B.

Sau nhiều lần liên hệ với Giám đốc công ty A đề nghị thanh toán thì giám đốc có viết cam kết trả nợ và giấy ủy quyền để công ty B thanh toán tiền lương cho tôi trong tổng số tiền công ty B sẽ thanh toán cho ông giám đốc. Xin hỏi trong trường hợp tôi đã nhiều lần liên hệ với giám đốc và công ty B nhưng vẫn không được giải quyết, tôi phải làm như thế nào? Xin tư vấn giúp tôi. Trân thành cảm ơn!

Trả lời tư vấn:

Cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn, với trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:

Theo quy định của Bộ luật lao động về nguyên tắc trả lương. Cụ thể:

"Nguyên tắc trả lương

Người lao động được trả lương trực tiếp, đầy đủ và đúng thời hạn.

Trường hợp đặc biệt không thể trả lương đúng thời hạn thì không được chậm quá 01 tháng và người sử dụng lao động phải trả thêm cho người lao động một khoản tiền ít nhất bằng lãi suất huy động tiền gửi do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm trả lương. 

Như vậy, đối chiếu quy định trên với trường hợp thực tế của bạn thì việc đơn vị chậm thanh toán tiền lương tương ứng với thời gian 14 tháng được xác định là hành vi vi phạm quy định pháp luật về nguyên tắc trả lương cho người lao động. Do đó, để đảm quyền lợi của mình thì trước hết bạn sẽ làm đơn khiếu nại gửi trực tiếp cho ban lãnh đạo đơn vị (công ty B vì đã nhận chuyển nhượng toàn bộ cổ phần từ công ty A sang, sau đó hai bên thỏa thuận về trách nhiệm thanh toán các khoản nợ của công ty A). Trường hợp, khiếu nại không được trả lời hoặc trả lời không thỏa đáng thì bạn có quyền làm đơn khiếu nại với Phòng lao động thương binh và xã hội để giải quyết.

Ngoài ra, với hành vi vi phạm trên thì đơn vị sẽ bị áp dụng hình thức xử phạt vi phạm hành chính tại Khoản 3 Điều 13 Nghị định 88/2015/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số Điều Nghị định 95/2013 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Cụ thể:

Vi phạm quy định về tiền lương

"... 3. Phạt tiền người sử dụng lao động có một trong các hành vi: Trả lương không đúng hạn; trả lương thấp hơn mức quy định tại thang lương, bảng lương đã gửi cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp huyện; không trả hoặc trả không đủ tiền lương làm thêm giờ, tiền lương làm việc ban đêm, tiền lương ngừng việc cho người lao động theo quy định của pháp luật; khấu trừ tiền lương của người lao động không đúng quy định của pháp luật; trả lương không đúng quy định cho người lao động khi tạm thời chuyển người lao động sang làm công việc khác so với hợp đồng lao động, trong thời gian tạm đình chỉ công việc, trong thời gian đình công, những ngày người lao động chưa nghỉ hàng năm theo một trong các mức sau đây: 

a) Từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng với vi phạm từ 01 người đến 10 người lao động; 

b) Từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng với vi phạm từ 11 người đến 50 người lao động; 

c) Từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng với vi phạm từ 51 người đến 100 người lao động; 

..."

Trên đây là nội dung tư vấn của Luật Minh Gia về vấn đề bạn yêu cầu tư vấn. Nếu còn vướng mắc bạn vui lòng liên hệ: 1900.6169 để được giải đáp.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo