Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Mẫu đơn khiếu nại hành vi xử phạt vi phạm hành chính trái luật

Luật Minh Gia cung cấp mẫu Mẫu đơn khiếu nại hành vi xử phạt vi phạm hành chính trái luật theo quy định pháp luật bao gồm các thôn tin cơ bản như sau để người dùng tìm hiểu, tham khảo:

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập – Tự do – Hạnh phúc

                                                                       ……., ngày…….tháng…….năm…..

ĐƠN KHIẾU NẠI

(V/v hành vi xử phạt hành chính trái luật)

Kính gửi: Trưởng công an huyện ……………………………..….., tỉnh………..

Tên tôi là:  ………………………… Sinh ngày: …… tháng ….. năm 19……….

Hộ khẩu thường trú: xóm…., thôn……., xã …….., Huyện ……., tỉnh ………....

Số CMTND: ………….., cấp ngày…..tháng…..năm 19….. tại Công an tỉnh…….

Ngày …./…../20….., tôi điều khiển xe máy mang biển số : …Z… – …. (mang tên chủ xe là ………………… – vợ tôi).

Tôi viết đơn này khiếu nại lần đầu đối với hành vi hành chính của hai cán bộ công an kiểm soát trật tự tại khu công nghiệp ………..– xã ……, huyện …….., tỉnh ……… và hành vi lập biên bản quy kết lỗi vi phạm về vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo Nghị định 71/2012/NĐ-CP như sau:

            Thứ nhất là khiếu nại đối với hành vi yêu cầu tôi dừng xe lại nhưng lại không xuất trình những giấy tờ chứng minh việc đang thi hành công vụ, không đeo biển hiệu.

            Tôi đang điều khiển xe máy đi câu cá từ đoạn cổng sau Nhà máy thiết bị điện về nhà. Khi đến đoạn ngã ba cổng chính Nhà máy thiết bị điện trong khu công nghiệp nghiệp ………..– xã ……, huyện …….., tỉnh ……… thì hai đồng chí công an kiểm soát trật tự mặc áo xanh đã yêu cầu tôi dừng xe lại, và yêu cầu kiểm tra giấy tờ.  Khi có hiệu  lệnh dừng xe, dù chưa xác định đó có phải là công an kiểm soát trật tự là thực hay có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hay không (thời điểm tôi điều khiển xe là lúc 17h30 phút ngày …./…./20….- trời chập choạng tối, đường vắng ít người đi lại), tôi vẫn chấp hành hiệu lệnh, dừng xe, nhưng tôi khóa cổ xe ngay khi dừng (việc khóa cổ xe nhằm bảo vệ tài sản theo thói quen).

Theo khoản 2, điều 8, Nghị định 27/2010/NĐ- CP của Chính Phủ có quy định về thẩm quyền của các lực lượng cảnh sát khác như sau:“Các lực lượng Cảnh sát khác và Công an xã tuần tra, kiểm soát trật tự, an toàn giao thông đường bộ mà không có Cảnh sát giao thông đường bộ đi cùng thì phải thực hiện việc tuần tra, kiểm soát theo Kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt và phải thường xuyên thông báo cho lực lượng Cảnh sát giao thông đường bộ về việc tuần tra, kiểm soát của mình”. Như vậy việc tuần tra, kiểm soát trật tự an toàn giao thông của hai đồng chí công an thuộc đội công an kiểm soát trật tự huyện Tiên Du chỉ đúng thẩm quyền khi thực hiện công việc này có kế hoạch đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt, và việc thực hiện đó phải đảm bảo được các quy định về việc thực hiện thẩm quyền của minh như: trình giấy tờ trước khi có yêu cầu tôi xuất trình giấy tờ , thu giữ xe. Tuy nhiên ở đây hai đồng chí này đều không xuất trình những giấy tờ chứng minh việc mình đang thi hành công vụ với tôi khi họ yêu cầu tôi dừng xe, yêu cầu tôi cho kiểm tra giấy tờ. Thậm chí họ còn không đeo biển hiệu trên áo. Do vậy không thể khẳng định được là hai đồng chí công an kiểm soát trật tự khu vực này đang thực hiện công việc đúng thẩm quyền của mình. Vì vậy, việc yêu cầu tôi xuất trình giấy tờ xe như trên là không đúng theo quy định của Pháp luật.

            Thứ hai là khiếu nại đối với hành vi của hai cán bộ công an kiểm soát trật tự đưa xe của tôi về trụ sở cơ quan có thẩm quyền mà không lập biên bản về hành vi vi phạm của tôi và không lập biên bản tạm giữ xe của tôi tại địa điểm thu giữ xe của tôi.

Một là khiếu nại hành vi không lập biên bản về hành vi vi phạm của tôi. Khi tôi điều khiển xe máy trong khu công nghiệp không mang theo giấy tờ xe và không đội mũ bảo hiểm. Hành vi không đội mũ bảo hiểm theo “ Điểm i) khoản 3, Điều 9, Nghị định 71/2012/NĐ-CP quy định : Người điều khiển, người ngồi trên xe không đội mũ bảo hiểm hoặc đội mũ bảo hiểm không cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông trên đường bộ” có mức phạt tiền là từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. Hành vi không mang theo giấy tờ xe, giấy phép lái xe, bảo hiểm trách nhiệm của chủ xe cơ giới vi phạm quy định tại điểm a, b, c, khoản 2, Điều 24, Nghị định 71/2012 theo đó mức phạt đối với từng hành vi phạm này của tôi là 80.000 đồng đến 120.000 đồng.

Trích Điều 24. Xử phạt các hành vi vi phạm quy định về điều kiện của người điều khiển xe cơ giới:

1. Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô,  gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự mô tô hoặc điều khiển xe ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự ô tô.

2. Phạt tiền từ 80.000 đồng đến 120.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

a) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không có hoặc không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực;

b) Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không mang theo Giấy đăng ký xe, Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (nếu có quy định phải kiểm định);

c) Người điều khiển xe mô tô không mang theo Giấy phép lái xe.

Do không xác định được tình tiết tăng nặng, tình tiết giảm nhẹ trong hành vi vi phạm của tôi nên mức phạt áp dụng sẽ là mức trung bình trung của khung hình phạt 450.000 đồng.

            Theo Khoản 1, Điều 56, Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, thì xử phạt vi phạm hành chính không lập biên bản được áp dụng trong trường hợp xử phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền đến 250.000 đồng đối với cá nhân. Ở đây tổng mức phạt đối với hành vi vi phạm của tôi theo quy định trong nghị định 71/2012/NĐ-CP là 450.000 đồng. Do đó xử phạt vi phạm hành chính phải lập biên bản. Quyết định xử phạt này phải dựa trên biên bản vi phạm đã lập. Nhưng, tới sáng 25/11/2013  khi tôi lên trụ sở Đội công an kiểm soát trật tự tại khu công nghiệp Tiên Sơn, huyện Tiên Du, tỉnh Bắc Ninh, lúc này một cán bộ - anh Tính – đội phó mới chuyển cho tôi biên bản và yêu cầu tôi ký. Rõ ràng, điều này vi phạm qui định tại điều 56, Luật xử phạt vi phạm hành chính 2013 “Khi phát hiện vi phạm hành chính thuộc lĩnh vực quản lý của mình, người có thẩm quyền đang thi hành công vụ phải kịp thời lập biên bản, trừ trường hợp xử phạt không lập biên bản theo quy định tại khoản 1 Điều 56 của Luật này.”

            Hai là khiếu nại về việc tạm giữ xe mà không có biên bản: Khi có xe ô tô của Đội công an kiểm soát trật tự đến thì hai đồng chí công an kiểm soát trật tự trên đưa xe của tôi lên ôtô mang đi mà tôi không biết mang đi đâu, cũng không hề thông báo với tôi về việc tạm giữ và lập biên bản tạm giữ phương tiện của tôi. Theo Khoản 3, điều 13, thông tư 11/2013/TT- BCA đã quy định về thủ tục tạm giữ phương tiện vi phạm luật giao thông đường bộ như sau:

“a) Lập biên bản về vi phạm hành chính;

b) Ra quyết định tạm giữ hoặc báo cáo người có thẩm quyền ra quyết định tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;

c) Lập biên bản tạm giữ phương tiện vi phạm hành chính.”

Với hành vi như trên, thủ tục mà hai đồng chí công an kiểm soát trật tự đã áp dụng trong trường hợp này là vi phạm nghiêm trọng thủ tục xử lý đối với những hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo hướng dẫn thông tư 11/2013/TT-BCA

Thứ ba là khiếu nại hành vị lập biên bản có nội dung biên bản về hành vi vi phạm của tôi vào ngày 14/11/2013 không đúng và không có cơ sở pháp lý.

 Mặc dù không nhận được thông báo, giấy tờ nào về tình trạng chiếc xe của tôi, nhưng ngày 2/12/2013 tôi vẫn lên Đội công an kiểm soát trật tự  tại Khu công nghiệp Tiên Sơn có mang theo giấy tờ (bao gồm Giấy đăng ký xe, giấy phép lái xe, Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực) để thực hiện việc nộp phạt và nhận được thông báo về tình trạng xe của mình. Nhưng, tôi nhận được yêu cầu ký nhận vào Biên bản xác nhận về hành vi vi phạm của tôi. Trong đó có nội dung: “cản trở người thi hành công vụ”. Người lập biên bản xác định lỗi này của tôi là không có căn cứ theo quy định của pháp luật bởi lẽ:

            Thứ nhất: Tôi có chấp hành hiệu lệnh dừng xe của hai đồng chí công an kiếm soát trật tự mặc dù họ có mặc quần áo công an nhưng không đeo bảng hiệu và sau đó cũng không trình thẻ hoặc giấy tờ nhận định họ là ngừoi thi hành công vụ. Theo qui định của pháp luật khi thi hành công vụ công an phải đeo phù hiệu (trừ những trường hợp thi hành công vụ có tính chất mật). Việc không đeo phù hiệu khi thi hành công vụ của hai đồng chí công an là vi phạm quy định trên nhưng tôi vẫn dừng xe theo hiệu lệnh của hai đồng chí trên, do đó tôi không hề có hành vi nào cản trở người thi hành công vụ.

            Thứ hai, Tôi đã đưa chìa khóa xe máy cho hai đồng chí công an kiểm soát trật tự trên vào mở khóa xe của tôi và chuyển lên xe ô tô của Đội trật tự.  Báo chí vẫn thường xuyên đưa tin về những vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản với chiêu trò giả danh công an. Ở đây ban đầu khi thấy hiệu lệnh của hai đồng chí kiểm soát trật tự tôi đã dừng xe nhưng lúc đó trời bắt đầu tối ( khoảng 17h 30 phút – trong thời tiết tháng 10 âm lịch năm 2013) hai đồng chí đó thi hành công vụ nhưng không hề đeo phù hiệu nên tôi có hành động khóa cổ xe lại mà không hề đóng nắp ổ khóa xe lại. Tôi khóa cổ xe ban đầu cũng vì thấy rằng hai đồng chí đó thi hành công vụ không đeo biển hiệu nên có thể là một số đối tượng xấu giả danh công an để chiếm đoạt chiếc xe máy của tôi. Khi tôi biết hai đồng chí là công an trật tự, tôi đã đi ra chỗ xe máy mở khóa cổ xe nhưng lại thấy nắp đậy ổ khóa đã đóng.  Tôi đề nghị mở khóa cổ xe máy và đồng ý cho chuyển xe máy lên xe ô tô của Đội trật tự, nhưng bị từ chối. Như vậy, chiếc xe được mang về cơ quan có thẩm quyền trong tình trạng khóa cổ xe, đậy nắp ổ khóa là hoàn toàn không phải là mục đích của tôi và hành động của tôi thực hiện. Rõ ràng ở đây không thể lấy làm căn cứ xác định  hành vi của tôi là cản trở người thi hành công vụ. Bởi lẽ tôi đã hợp tác với các đồng chí công an khi chủ động đưa chìa khóa xe cho hai đồng chí công an kiểm soát trật tự. Hơn nữa khi hai đồng chí đó không cho tôi mở khóa xe, tôi cũng không hề giằng co hoặc có những lời xúc phạm các đồng chí trên.

Với những yêu cầu trên, tôi mong được quy cơ quan xem xét để đảm bảo quyền lợi hợp pháp của tôi như sau:

- Tôi chấp hành việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ theo nghị định 71/2012/NĐ –CP với các lỗi: không đội mũ bảo hiểm; mang theo Giấy tờ đăng ký xe, không mang theo Giấy phép lái xe và không mang theo Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực.

- Việc quy kết lỗi của tôi là “cản trở người thi hành công vụ” là không đúng và không có cơ sở, nên đề nghị quý cơ quan xem xét lại không xử phạt hanh vi vi phạm của tôi về lỗi này.

- Giải quyết cho tôi được nhận lại Giấy phép lái xe, và phương tiện xe máy theo quy định của Pháp luật.

 Trân trọng cảm ơn!

                                                                                          Người làm đơn

 

---------------------------------
Biểu mẫu trên đây mang tính tham khảo, quý khách hàng nên tham khảo ý kiến tư vấn của luật sư hoặc tìm hiểu thêm quy định pháp luật tại thời điểm áp dụng, Nếu còn vướng mắc, chưa rõ hoặc cần hộ trợ pháp lý khác quý vị vui lòng liên hệ bộ phận luật sư trực tuyến của chúng tôi để được giải đáp: Tổng đài luật sư trực tuyến 1900.6169

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Liên hệ tư vấn
Chat zalo