Luật sư Nguyễn Mạnh Tuấn

Trưng cầu giám định là gì? Mẫu quyết định trưng cầu giám định

Trưng cầu giám định là hoạt động điều tra của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng thể hiện bằng việc ra quyết định yêu cầu những người có kiến thức chuyên môn cần thiết về các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ… theo quy định của pháp luật để nghiên cứu, kết luận về những vấn đề cần làm rõ trong quá trình điều tra, truy tố và xét xử vụ án.

Mục lục bài viết

1. Trưng cầu giám định là gì? 

Trong tố tụng dân sự, trưng cầu giám định là hoạt động nhằm chứng minh, thu thập chứng cứ để đảm bảo việc giải quyết vụ án khách quan, công bằng và bảo vệ quyền lợi chính đáng của đương sự. Theo quy định tại khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giám định tư pháp 2020 thì hoạt động giám định tư pháp được định nghĩa như sau:

“1. Giám định tư pháp là việc người giám định tư pháp sử dụng kiến thức, phương tiện, phương pháp khoa học, kỹ thuật, nghiệp vụ để kết luận về chuyên môn những vấn đề có liên quan đến hoạt động khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án hình sự, giải quyết vụ việc dân sự, vụ án hành chính theo trưng cầu của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc theo yêu cầu của người yêu cầu giám định theo quy định của Luật này.”

Theo khoản 2 Điều 102 BLTTDS 2015, chủ thể có thẩm quyền ra quyết định trưng cầu giám định là Tòa án. Trong một số trường hợp, đương sự vẫn có quyền tự mình yêu cầu giám định với điều kiện là họ đã đề nghị Tòa án trung cầu giám định nhưng Tòa án từ chối yêu cầu của đương sự.

“Điều 102. Trưng cầu giám định, yêu cầu giám định

1. Đương sự có quyền yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định hoặc tự mình yêu cầu giám định sau khi đã đề nghị Tòa án trưng cầu giám định nhưng Tòa án từ chối yêu cầu của đương sự. Quyền tự yêu cầu giám định được thực hiện trước khi Tòa án ra quyết định đưa vụ án ra xét xử theo thủ tục sơ thẩm, quyết định mở phiên họp giải quyết việc dân sự.

2. Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán ra quyết định trưng cầu giám định...”

2. Mẫu quyết định trưng cầu giám định 

Theo quy định tại khoản 2 Điều 102 BLTTDS 2015, quyết định trưng cầu giám định phải ghi rõ tên, địa chỉ của người giám định, đối tượng cần giám định, vấn đề cần giám định, các yêu cầu cụ thể cần có kết luận của người giám định.

“2. Theo yêu cầu của đương sự hoặc khi xét thấy cần thiết, Thẩm phán ra quyết định trưng cầu giám định. Trong quyết định trưng cầu giám định phải ghi rõ tên, địa chỉ của người giám định, đối tượng cần giám định, vấn đề cần giám định, các yêu cầu cụ thể cần có kết luận của người giám định.”

Mẫu Quyết định trưng cầu giám định được ban hành kèm theo Nghị quyết số 01/2017/NQ-HĐTP của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao: Mẫu số 06-DS

TÒA ÁN NHÂN DÂN...........(1)

Số: ..../..../QĐ-TCGĐ (2)

 

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

 

............, ngày...... tháng ...... năm ......

 

QUYẾT ĐỊNH 

TRƯNG CẦU GIÁM ĐỊNH (3)

 TÒA ÁN NHÂN DÂN..........................................................................

 

Căn cứ vào các điều 97, 102 và 103 của Bộ luật tố tụng dân sự;

Căn cứ Luật Giám định tư pháp;

Căn cứ hồ sơ vụ án dân sự thụ lý số …/…/TLST-……ngày … tháng … năm ……

Về:(4).................................................................................................................................

Xét (5)................................................................................................................................

..........................................................................................................................................

Đối với(6)..........................................................................................................................

QUYẾT ĐỊNH:

1. Trưng cầu (7)................................................................................................................

..........................................................................................................................................

Thực hiện giám định:(8).................................................................................................

..........................................................................................................................................

2. Các tài liệu có liên quan hoặc mẫu so sánh gửi kèm theo bao gồm:(9)...............

..........................................................................................................................................

3. Thời hạn trả kết luận giám định:(10).........................................................................

..........................................................................................................................................

 

Nơi nhận:     

- Đương sự;

- Tổ chức giám định tư pháp;

- Giám định viên;

- Lưu hồ sơ vụ án.                                       

Thẩm phán

(Ký tên, ghi rõ họ tên, đóng dấu)

 

 

 

Hướng dẫn sử dụng mẫu số 06-DS:        

(1) Ghi tên Toà án nhân dân ra quyết định trưng cầu giám định; nếu là Toà án nhân dân cấp huyện thì cần ghi rõ Toà án nhân dân huyện đó thuộc tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nào (ví dụ: Toà án nhân dân huyện X, tỉnh H), nếu là Toà án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thì ghi rõ Toà án nhân dân tỉnh (thành phố) đó (ví dụ: Toà án nhân dân thành phố Hà Nội), nếu là Toà án nhân dân cấp cao thì ghi rõ Toà án nhân dân cấp cao tại (Hà Nội, Đà Nẵng, Thành phố Hồ Chí Minh).

(2) Ô thứ nhất ghi số, ô thứ hai ghi năm ra quyết định (ví dụ: Số: 02/2017/QĐ-TCGĐ).

(3) Nếu trưng cầu giám định bổ sung hoặc giám định lại thì sau hai chữ “giám định” trong quyết định ghi thêm hai chữ “bổ sung” hoặc chữ “lại”.

(4) Ghi quan hệ tranh chấp mà Toà án đang giải quyết.

(5) Tùy trường hợp cụ thể mà ghi yêu cầu của đương sự hoặc Tòa án thấy cần thiết. Trường hợp theo yêu cầu của đương sự thì ghi rõ tên, địa chỉ, tư cách đương sự của người có đơn yêu cầu mà ghi (ví dụ: Xét yêu cầu Tòa án trưng cầu giám định của ông Nguyễn Văn A - nguyên đơn trong vụ án, cư trú tại 261 phố Đội Cấn, quận Ba Đình, thành phố Hà Nội).

(6) Ghi đối tượng cần giám định (ví dụ: đối với chữ ký của người bán trong hợp đồng mua bán tài sản hoặc đối với chữ viết trong bản di chúc do bị đơn giao nộp cho Toà án).

(7) Ghi đầy đủ tên, địa chỉ của tổ chức được trưng cầu giám định hoặc họ, tên và địa chỉ của người được trưng cầu giám định.

(8) Ghi cụ thể những vấn đề cần giám định và các yêu cầu cụ thể cần có kết luận giám định.

(9) Ghi tên các tài liệu có liên quan hoặc mẫu so sánh gửi kèm theo, số lượng cụ thể, ký hiệu (nếu có).

(10) Ghi thời hạn tổ chức giám định tư pháp hoặc giám định viên được trưng cầu giám định phải gửi kết luận giám định cho Toà án.

Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất

Đặt câu hỏi tư vấn
Chat zalo