Bị công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng phải làm thế nào?
1. Luật sư tư vấn pháp luật lao động
Một trong các trường hợp để người sử dụng lao động có thể chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động là do thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế. Nhưng để thực hiện chấm dứt hợp đồng lao động đúng quy định của pháp luật, người sử dụng lao động cần phải thực hiện đúng quy trình, thủ tục theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp công ty không thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động thì người lao động cần phải tìm hiểu các quy định của pháp luật lao động và các văn bản hướng dẫn chi tiết hoặc tham khảo ý kiến luật sư tư vấn. Nếu không có thời gian tìm hiểu hoặc chưa có luật sư riêng, bạn hãy liên hệ Luật Minh Gia để luật sư của chúng tôi giải đáp và đưa ra cho bạn hướng giải quyết phù hợp.
Để được hỗ trợ, tư vấn về pháp luật lao động bạn hãy gửi câu hỏi cho chúng tôi hoặc Gọi: 1900.6169 để được hướng dẫn tư vấn.
Ngoài ra, bạn có thể tham khảo tình huống chúng tôi tư vấn sau đây để có thêm kiến thức để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.
2. Tư vấn trường hợp công ty đơn phương chấm dứt hợp đồng
Nội dung tư vấn: Tôi là A, sinh năm 19xx hiện trú tại B. Tôi về dạy lái xe tại C, từ năm 2011 đến ngày 16/8/2019 tôi được thông báo tạm nghỉ việc thời gian 45 ngày để Trung tâm sắp xếp lại tổ 4 (tổ dạy thực hành lái xe hạng C) do tổ 4 hoạt động không hiệu quả. Sau thời gian trên nếu không sắp xếp được công việc. Trung tâm sẽ chấm dứt hợp đồng lao động. Trong thời gian nghỉ hưởng lương cơ bản.
Sau 45 ngày tôi nhận quyết định chấm dứt HĐLĐ với lý do không sắp xếp được công việc. Trung tâm thanh toán cho tôi 2 lần tiền. Lần 1 số tiền hơn 3 triệu (nói là lương tháng 8). Lần 2 hơn 6 triệu (ghi là trả lương tháng 9). Ngoài ra không có thêm khoản nào khác.
Tôi lên Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh Đắc Lắc nhận lương thất nghiệp 10 tháng. Nhận làm 10 lần, mỗi lần 2.534.000 đ/tháng.
Xin hỏi: Trung tâm giải quyết chế độ cho tôi theo quyết định đơn phương chấm dứt HĐLĐ như vậy đúng chưa? Nếu chưa đúng tôi còn được hưởng quyền lợi gì nữa?
Tôi đang chuẩn bị viết đơn khởi kiện trung tâm đơn phương chấm dứt HĐLĐ không đúng luật. Vì tổ 4 chỉ là một tổ nhỏ trong nhiều tổ của khoa đào tạo lái xe. Tôi không làm chức vụ gì, không vi phạm gì, tại sao chỉ mình tôi bị cho nghỉ?
Trọng tâm việc cho tôi nghỉ là do tôi đã viết báo cáo xây dựng gửi trực tiếp cho Lãnh đạo Trung tâm về một số quy định trái luật lao động do Khoa đào tạo lái xe triển khai và tôi yêu cầu phải thay đổi theo đúng luật lao động. Giám đốc trung tâm tiếp nhận đơn và nhiều lần đe dọa cho tôi nghỉ... nhưng khi có quyết định thì lý do lại là thay đổi tổ 4. Tôi có thể khởi kiện được không? Và yêu cầu tòa án xử lý những vấn đề nào để đảm bảo quyền lợi người lao động? Rất mong nhận được tư vấn. Trân Trọng!
Trả lời tư vấn: Chào bạn, cảm ơn bạn đã gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến Công ty Luật Minh Gia, trường hợp của bạn chúng tôi tư vấn như sau:
Căn cứ thông tin bạn cung cấp, công ty chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ) với bạn với lý do sắp xếp lại tổ 4. Tuy nhiên, thông tin bạn đưa ra không thể hiện rõ công ty đang thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ của người sử dụng lao động hay chấm dứt HĐLĐ với bạn do thay đổi cơ cấu, tổ chức lại lao động. Vì vậy, có thể xảy ra hai trường hợp như sau:
Trường hợp 1: Công ty thực hiện quyền đơn phương chấm dứt HĐLĐ
Để xác định công ty chấm dứt HĐLĐ đúng pháp luật thì việc chấm dứt đó cần phải có căn cứ và bảo đảm thời gian báo trước theo quy định tại Điều 38 Bộ luật Lao động 2012:
“1. Người sử dụng lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trong những trường hợp sau đây:
a) Người lao động thường xuyên không hoàn thành công việc theo hợp đồng lao động;
…
c) Do thiên tai, hỏa hoạn hoặc những lý do bất khả kháng khác theo quy định của pháp luật, mà người sử dụng lao động đã tìm mọi biện pháp khắc phục nhưng vẫn buộc phải thu hẹp sản xuất, giảm chỗ làm việc;
…
2. Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động người sử dụng lao động phải báo cho người lao động biết trước:
a) Ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn;
b) Ít nhất 30 ngày đối với hợp đồng lao động xác định thời hạn;
…”
Như vậy, đối với HĐLĐ không xác định thời hạn, công ty cần phải báo trước cho bạn ít nhất 45 ngày.
Trường hợp 2: Công ty chấm dứt HĐLĐ do thay đổi cơ cấu, tổ chức lại lao động
Điều 44 Bộ luật Lao động 2012 quy định:
“Điều 44. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế
1. Trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này; trường hợp có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng.
Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mới mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này.
…
3. Việc cho thôi việc đối với nhiều người lao động theo quy định tại Điều này chỉ được tiến hành sau khi đã trao đổi với tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở và thông báo trước 30 ngày cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động cấp tỉnh.”
Khi chấm dứt HĐLĐ do thay đổi cơ cấu, tổ chức lại lao động công ty có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động trong đó có danh sách và số lượng người lao động tiếp tục sử dụng, người lao động đưa đi đào tạo lại để tiếp tục sử dụng; danh sách và số lượng người lao động nghỉ hưu; danh sách và số lượng người lao động phải chấm dứt hợp đồng; nguồn tài chính đảm bảo thực hiện phương án… Đồng thời, nếu chấm dứt HĐLĐ với nhiều người, công ty phải có trách nhiệm thông báo trước cho Sở Lao động – Thương binh, Xã hội biết trước 30 ngày.
Trong trường hợp bạn bị mất việc làm do công ty thay đổi cơ cấu, tổ chức lại lao động thì công ty có trách nhiệm chi trả chế độ trợ cấp mất việc làm cho bạn theo quy định tại Điều 49 Bộ luật Lao động 2012. Theo đó, thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian bạn đã làm việc thực tế cho công ty trừ đi thời gian bạn đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp.
Vậy, nếu công ty thực hiện chấm dứt HĐLĐ phù hợp với một trong hai trường hợp nêu trên thì việc chấm dứt đó là đúng theo quy định của pháp luật.
Trường hợp bạn có căn cứ cho rằng công ty chấm dứt HĐLĐ trái pháp luật thì bạn có quyền khởi kiện yêu cầu công ty bồi thường theo các phương án được quy định tại Điều 42 Bộ luật Lao động 2012:
“Điều 42. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật
1. Phải nhận người lao động trở lại làm việc theo hợp đồng lao động đã giao kết và phải trả tiền lương, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế trong những ngày người lao động không được làm việc cộng với ít nhất 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.
2. Trường hợp người lao động không muốn tiếp tục làm việc, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này người sử dụng lao động phải trả trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này.
3. Trường hợp người sử dụng lao động không muốn nhận lại người lao động và người lao động đồng ý, thì ngoài khoản tiền bồi thường quy định tại khoản 1 Điều này và trợ cấp thôi việc theo quy định tại Điều 48 của Bộ luật này, hai bên thỏa thuận khoản tiền bồi thường thêm nhưng ít nhất phải bằng 02 tháng tiền lương theo hợp đồng lao động để chấm dứt hợp đồng lao động.
…
5. Trường hợp vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.”
Tuy nhiên, bạn cần lưu ý về thời hiệu khởi kiện yêu cầu Tòa án giải quyết tranh chấp lao động là 01 năm kể từ ngày phát hiện ra hành vi mà bạn cho rằng quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm.
Liên hệ để được hỗ trợ nhanh nhất